Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV:

Cần quy định chặt chẽ về quy trình thẩm định, thi công, hậu kiểm đối với các công trình mang đậm yếu tố truyền thống

Thứ sáu, 09/11/2018 07:49

Ngày 8-11, Quốc hội tiến hành làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Kiến trúc (KT). Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tham gia thảo luận ở Tổ 05 cùng các Đoàn: Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ông Trương Quang Nghĩa, UVT.Ư Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, Tổ trưởng- Chủ trì phiên thảo luận.

Thông qua chỉ tiêu GDP 2019 tăng 6,6-6,8%

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8-11, với 447/450 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,16%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, 12 chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. 

P.V

Dự thảo Luật KT do Chính phủ trình QH lần này gồm có 4 chương với 37 điều. Việc ban hành Luật là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền KT Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển KTXH, bảo đảm QPAN và hội nhập quốc tế.

Theo khoản 3, Điều 3 dự thảo luật “Công trình KT là một hoặc tổ hợp công trình, hạng mục công trình, nội ngoại thất, cảnh quan không gian được thiết kế và thi công xây dựng theo thiết kế KT”. ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc quy định này, bởi nếu hiểu như vậy thì các công trình xây dựng dân gian xưa nay, các công trình KT cổ xây dựng mà không có thiết kế KT thì không được xem là công trình KT là không hợp lý. Liên quan đến quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề KT (Điều 23), ĐB Sơn đề nghị bổ sung việc thu hồi đối với các trường hợp thường xuyên vi phạm về chuyên môn kỹ thuật theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, ĐB Sơn đặt vấn đề rất bức xúc hiện nay là trong quá trình trùng tu di tích hoặc thiết kế mới các công trình có yếu tố truyền thống như: đình, chùa, miếu… hiện tượng làm sai lệch các quy ước KT truyền thống khá phổ biến. Ví dụ như Chùa Việt Nam nhưng mang nét chùa Trung Quốc, Nhật Bản; các linh vật như rồng, phượng, nghê, rùa…có hình hài kỳ dị là điều thường gặp. ĐB cho rằng, dù bất cứ lý do gì đều là hành động gây tổn hại giá trị truyền thống Việt. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ về quy trình thẩm định, thi công, hậu kiểm đối với các công trình mang đậm yếu tố truyền thống, đồng thời, phải có chế tài thật nghiêm khắc. Trong khi đó, ĐB Quàng Văn Hường (Sơn La) thì đề nghị cần xem xét bổ sung yếu tố về văn hóa và tâm linh trong khái niệm Kiến trúc tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ.

Liên quan đến Quy chế quản lý KT nông thôn, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu, theo quy định hiện hành thì ở nông thôn hiện chưa có quy định về quản lý KT, đồng thời, pháp luật xây dựng cũng không quy định phải cấp giấy phép xây dựng. Do đó, lâu nay việc xây dựng là tự phát, ngẫu hứng, không theo một trật tự nào và việc quản lý xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc quy định về quản lý KT và cấp phép xây dựng ở khu vực nông thôn là rất cần thiết. Cũng theo ĐB, dự thảo có SĐ, BS một số quy định của Luật Xây dựng nhưng chưa SĐ, BS nội dung liên quan đến cấp phép xây dựng đối với công trình, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn. Do đó, ĐB Hoa đề nghị rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng có nội dung liên quan nói trên để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo cơ chế để quản lý hoạt động xây dựng tại khu vực nông thôn.

Điều 17 quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục, ĐB Hoa đề nghị giải thích rõ thuật ngữ “Phát triển nghề nghiệp liên tục” để thống nhất cách hiểu, cách áp dụng. Đồng thời, theo ĐB việc đặt ra yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục là duy trì, tăng cường, nâng cao kiến thức, kỹ năng của kiến trúc sư hành nghề, tuy nhiên, khi đã đặt ra yêu cầu này thì phải quy định rõ nếu không đáp ứng yêu cầu này thì sẽ xử lý như thế nào? Cần có chế tài cụ thể kèm theo nhằm đảm bảo tính logic về nội dung của quy định.

Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hành nghề KT, tại báo cáo thẩm tra của UBKHCN&MT có đưa ra 2 loại ý kiến: (1) Thống nhất với dự thảo Luật, chứng chỉ phải do cơ quan QLNN có thẩm quyền ở cấp tỉnh cấp để đảm bảo quản lý của nhà nước; (2) Nên xã hội hóa hoạt động cấp chứng chỉ, giao nhiệm vụ này cho các tổ chức XH nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư, một số hiệp hội khác.. nhằm giảm bớt công việc không cần thiết của cơ quan QLNN. Về nội dung này, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, việc cơ quan thẩm tra đưa ra 2 loại ý kiến nhưng không nêu rõ quan điểm nên chọn phương án nào là chưa thỏa đáng, đề nghị cần xem xét lại vấn đề này.

Chiều cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận ở Tổ về dự án Luật giáo dục  (sửa đổi).

VŨ HƯNG