Cần siết chặt và nâng cao chất lượng thiết bị giám sát hành trình
(Cadn.com.vn) - Thống kê của Phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở GTVT) tỉnh TT-Huế cho biết, với 920 phương tiện của 91 doanh nghiệp vận tải (DNVT) trên địa bàn TT-Huế, sau gần 2 năm triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) hay còn gọi là hộp đen, đến nay đã đạt 100%. Tuy nhiên, có hơn 30% số xe lắp đặt “hộp đen” chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.
Từ tháng 7-2013, tất cả xe khách kinh doanh tuyến cố định liên tỉnh trên địa bàn TT-Huế đồng loạt được lắp “hộp đen”. Theo quy định, thiết bị GSHT phải truyền dữ liệu vào Tổng cục Đường bộ, thế nhưng nhiều thiết bị của một số phương tiện chỉ truyền dữ liệu đến doanh nghiệp quản lý. Có không ít DNVT lắp đặt chỉ để đối phó cơ quan chức năng. Thậm chí, khi xảy ra hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách, cơ quan chức năng mới phát hiện, xe chạy sai luồng, tuyến nhưng đơn vị quản lý không hề hay biết.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng Phòng quản lý vận tải và phương tiện cho biết: “Việc bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô-tô phải lắp đặt thiết bị GPS là cần thiết. Tuy nhiên, do hạ tầng thông tin chưa tốt nên phải vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, dù đã có chế tài xử phạt hành vi vi phạm an toàn thông qua GPS nhưng chưa chặt chẽ nên chưa có tính răn đe đối với người vi phạm”.
Lực lượng chức năng trong một lần kiểm tra thiết bị GSHT ở bến xe phía Nam, TT-Huế. |
Còn ông Đỗ Trọng Tuấn, Giám đốc Cty CP Vận tải ô-tô & Dịch vụ tổng hợp TT-Huế thì cho biết, đơn vị có tất cả 9 xe khách thì cả 9 xe đều lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, xe đang chạy, thiết bị vẫn hoạt động nhưng lại không truyền đến máy chủ. Vì thế, mới đây 2 xe chạy tuyến Huế- Đà Nẵng của đơn vị này bị Sở GTVT thu hồi phù hiệu và đình chỉ hoạt động 10 ngày. Tương tự, vừa qua, HTX ô-tô Huế có hơn 10 phương tiện bị phạt do thiết bị không truyền dữ liệu đến Tổng cục Đường bộ đã bị Sở GTVT thu hồi phù hiệu với lý do thiết bị GPS không hoạt động. Để thiết bị GPS phát huy hiệu quả, ông Trần Sĩ Cuộc, Chủ nhiệm HTX ô-tô Huế mong cơ quan chức năng có ý kiến với nhà cung cấp mạng quản lý thiết bị tốt hơn.
Một tồn tại khác cũng liên quan đến công tác vận tải hành khách tại nhiều địa phương đó là tình trạng taxi “dù” ngang nhiên hoạt động không theo quy định và rất khó kiểm soát. Trước thực trạng trên, Bộ GTVT vừa đề xuất với Chính phủ từ ngày 1-7-2015, xe taxi phải gắn “hộp đen”. Đồng thời đến năm 2016 trên loại phương tiện này phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính cước để lái xe tính tiền và trả cho hành khách nhằm loại bỏ taxi “dù”.
Theo ông Phạm Quang Hồng, hiện Sở GTVT tỉnh TT-Huế đã làm việc và gửi công văn đến các hãng taxi trên địa bàn tỉnh, bắt buộc các đơn vị phải lắp đặt thiết bị GSHT trên từng phương tiện để ngày 1-7 tới đưa vào hoạt động. Đến thời gian trên, đơn vị nào chưa thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định”.
Về vấn đề này, ông Lê Quý Ngọc, Phó Giám đốc Công ty CP Phú Hùng Thịnh, Taxi Vàng cho biết: “Sử dụng thiết bị GSHT giúp đơn vị dễ dàng hơn trong việc quản lý kinh doanh, vì thế đầu năm 2015, taxi Vàng đã lắp đặt cho tất cả 110 đầu phương tiện. Bình quân, mỗi thiết bị có giá từ 5-8 triệu đồng, mỗi đơn vị có khoảng 100-150 đầu phương tiện thì chi phí lắp đặt trên dưới 1 tỷ đồng... Việc lắp đặt thiết bị này để giám sát tốc độ của lái xe, do đó nếu lái xe chạy tốc độ trên 70km/h là dữ liệu truyền về máy chủ, tổng đài nhắc nhở lái xe điều chỉnh tốc độ; giám sát lộ trình đi của lái xe khi đi tour với phạm vi bán kính hơn 300km, nhằm đảm bảo sự an toàn cho lái xe và hành khách...”.
Được biết, hiện địa bàn tỉnh có trên 10 hãng taxi với khoảng 500 đầu phương tiện và đã có khoảng 50% xe đã được lắp thiết bị GSHT. Song, vấn đề chính vẫn là hiệu quả hoạt động của thiết bị GSHT được gắn trên từng đầu phương tiện như thế nào để đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và quan trọng nhất là đảm bảo ATGT trong hoạt động vận tải hành khách.
H.Lan