Cần sớm ban hành Chương trình sở hữu trí tuệ Quốc gia
(Cadn.com.vn) - Việt Nam đang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước có hệ thống sở hữu trí tuệ phát triển, trên cơ sở đó sớm ban hành Chương trình sở hữu trí tuệ Quốc gia. Theo Bộ KH&CN, nghiên cứu này sẽ giúp định hình lợi ích thực tế của sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế. Xây dựng Chương trình quốc gia về Sở hữu trí tuệ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phải biến sở hữu trí tuệ thực sự trở thành tài sản quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn từ các nước, chương trình sở hữu trí tuệ quốc gia tập trung vào các nội dung, như tăng cường chính sách và khuôn khổ sở hữu trí tuệ; nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách thức sử dụng nhãn hiệu, bản quyền và các quyền sở hữu trí tuệ khác; tăng cường các dịch vụ về quản trị nhãn hiệu, bản quyền và các quyền sở hữu trí tuệ khác cho doanh nghiệp, nhà sáng tạo và sáng chế; tăng cường năng lực thực thi các quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu, cơ quan thực thi... tạo môi trường khuyến khích việc sử dụng tài sản trí tuệ một cách chiến lược để phát triển kinh tế xã hội.
Vi phạm sở hữu trí tuệ nói chung, xâm phạm nhãn hiệu nói riêng ở Việt Nam hiện còn khá phổ biến, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà sáng chế và nền kinh tế. Trong ảnh: Một vụ xâm phạm nhãn hiệu được Báo Công an TP Đà Nẵng đề cập. Ảnh: N.L |
Tại hội thảo “Vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ với nền kinh tế quốc gia” mới đây, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: Đã đến lúc Việt Nam phải nghĩ đến khía cạnh quan trọng của sở hữu trí tuệ, ngoài việc xác lập quyền và thực thi các quyền cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có tài sản trí tuệ, thì phải đảm bảo khía cạnh kinh tế tài sản trí tuệ, giá trị kinh tế của tài sản công nghiệp. Bởi hiện nay, nhiều mô hình nghiên cứu được xem xét, đánh giá giá trị của sở hữu trí tuệ nhưng việc áp dụng mô hình đó không phải dễ dàng do đặc thù của hệ thống sở hữu trí tuệ.
Ông Asrat Tesjayesus, Chuyên gia kinh tế Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cho biết, tầm quan trọng của hoạt động sáng tạo, sở hữu trí tuệ đối với tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia phát triển phải xác định được đâu là động lực tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế chủ yếu thông qua hàm lượng công nghệ, đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình tăng trưởng mới để tạo cú hích tăng trưởng. Để đánh giá được hoạt động sở hữu trí tuệ cần xây dựng hệ thống chỉ số để đánh giá tác động của sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế. Xác định được các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp có sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, so sánh với các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp không sử dụng sở hữu trí tuệ để thấy tác động của sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế.
Trong cuộc hội thảo “Vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ với nền kinh tế quốc gia”, Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Trần Việt Thanh cho biết: Việt Nam đang thiếu “kiến thức” nên chưa phát huy được giá trị của sở hữu trí tuệ. Vấn đề đặt ra là phải xác định được đâu là tài sản trí tuệ của Việt Nam cũng như giá trị sáng chế nằm ở đâu, hay giải pháp cũng như cách thức để doanh nghiệp biết đâu là giá trị tài sản trí tuệ của họ để phát triển. Trên cơ sở đó định hướng tạo ra ngành kinh tế mũi nhọn sở hữu tri thức, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP.
Thu Thủy