Báo Công An Đà Nẵng

Cần sớm giải quyết những bất cập hậu thu hồi dự án thủy điện Đăk Di 4

Thứ năm, 27/12/2018 17:00

Việc nhà máy thủy điện Đăk Di 4 (xã Trà Mai, H. Nam Trà My) triển khai chậm chạp và nhiều sai phạm nên UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định thu hồi dự án là đúng luật, hợp tình, hợp lý. Song, sau khi dự án bị thu hồi cũng để lại nhiều tồn tại, bất cập cần gấp rút giải quyết. Đặc biệt là vấn đề lãng phí khi nhiều diện tích đất của người dân bị "treo" theo dự án thủy điện suốt hàng chục năm qua, trong khi cuộc sống của họ lại bị ảnh hưởng do điện lưới chập chờn.

Người dân bức xúc vì nhiều diện tích đất bị "treo" theo dự án hàng chục năm qua.

Vấn đề này được ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My xác nhận. Theo ông Mẫn, dự án không thể triển khai đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. "Lúc dự án được UBND tỉnh đồng ý cho tiến hành nghiên cứu triển khai trên địa bàn, UBND huyện rất phấn khởi bởi khi đưa vào khai thác thì vấn đề thiếu điện phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện sẽ được giải quyết triệt để. Vì thế, UBND huyện rất ủng hộ và luôn tạo mọi điều kiện tốt để doanh nghiệp (DN) triển khai dự án nhưng cuối cùng lại rơi vào ngõ cụt. Vì nhà đầu tư không có năng lực và triển khai chậm chạp gây nhiều hệ lụy kéo dài nên UBND tỉnh đã thu hồi dự án. Điều này đồng nghĩa với việc điện lưới trên địa bàn huyện vẫn cứ chập chờn, không ổn định, thậm chí trong một ngày mất điện đến 3, 4 lần", ông Mẫn nói.

Dự án thủy điện Đăk Di 4 bị "ngâm" hơn 15 năm qua. Từ năm 2003, dự án được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Cty Cổ phần Cung ứng đầu tư và Xây lắp (sau này là Cty Cổ phần SIC và nay chuyển cho Cty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4) nghiên cứu đầu tư. Dù vậy, DN đã không triển khai thực hiện dự án. Đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện với yêu cầu phải khởi công trong quý IV-2009 nhưng DN vẫn không thực hiện. Năm 2014, sau khi rà soát, Bộ Công Thương thông báo Đăk Di 4 thuộc đối tượng các dự án thủy điện phải tạm dừng, chưa được đầu tư xây dựng trước năm 2015. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Cty CP SIC được phép triển khai dự án trên trong năm 2015 và được Bộ Công Thương thống nhất. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Cty CP SIC sang Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu DN ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Tuy nhiên, cũng kể từ đó DN bắt đầu chây ì trong thực hiện nghiên cứu, đóng tiền ký quỹ không đúng thời hạn quy định. Hơn nữa qua kết quả kiểm tra thực địa và rà soát các báo cáo về hồ sơ, thủ tục dự án, tỉnh Quảng Nam nhận thấy DN đã không triển khai dự án theo đúng cam kết tiến độ kể từ năm 2003 đến nay, thực hiện các hồ sơ, thủ tục không đảm bảo yêu cầu tiến độ cam kết và xuất hiện nhiều sai phạm trong quá trình tiến hành nghiên cứu nên ra quyết định thu hồi.

Ông Rich Si Man (72 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Mai, H. Nam Trà My) bức xúc: "Khi nhà nước có chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện tại địa phương bà con ai cũng vui sướng và sẵn sàng giao đất của mình để phục vụ triển khai dự án. Riêng nhà tôi có trên 10ha đất nằm trong vùng dự án bị thu hồi, DN đã kiểm kê cụ thể và hỗ trợ tôi 50 triệu đồng nhưng họ chưa có giải quyết đền bù thiệt hại. Theo thiết kế ban đầu, đất của tôi là khu vực chính xây dựng nhà máy và làm trạm biến áp. Từ lúc bà con hiến đất đến nay DN vẫn chưa một lần làm việc về đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi. Đất thì đã khoanh vùng "nằm" đợi nhưng chẳng biết đợi đến bao giờ? Đến khi biết được tỉnh đã thu hồi dự án thì bà con càng hoang mang, lo lắng". Cũng theo ông Rich, vì điện lưới không ổn định, gây cản trở việc sinh hoạt, sản xuất nên người dân rất thất vọng và bức xúc. "Trường hợp nếu tỉnh chọn được nhà đầu tư mới thì phải yêu cầu họ sớm có hỗ trợ, đền bù theo đúng giá trị, đúng diện tích đất người dân hiến cho dự án. Ngược lại, nếu dự án không thể triển khai thì cũng phải trả đất lại cho người dân sản xuất, tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên kéo dài", ông Rich trình bày.

Công trình nhà ở công nhân xây dựng dang dở, ngổn ngang trong vùng dự án. 

Trước đó, trong cuộc họp mổ xẻ những tồn tại ở nhà máy thủy điện Đăk Di 4, Sở Công thương cũng như UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ những bất cập và sai phạm trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Cụ thể, hiện nay Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 chưa có mặt bằng xây dựng do chưa hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa có quyết định giao đất cho dự án; chưa có giấy phép xây dựng; hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công chưa trình Sở Công thương thẩm định nên chưa phê duyệt được hồ sơ; chưa chứng minh được vốn cho dự án nên chưa có kế hoạch bố trí vốn theo tiến độ cam kết. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu, Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 cũng có nhiều sai phạm khi chưa làm việc với Sở TNMT mà đã tự ý xây dựng lán trại cho công nhân, xây dựng các công trình giao thông là vi phạm về quyền sử dụng đất. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ là do nhà đầu tư không có năng lực. Tỉnh cũng đã hỗ trợ hết mình, thậm chí là quá ưu ái mà DN vẫn không triển khai thì đành phải thu hồi nghiên cứu dự án.

Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My Trần Văn Mẫn thông tin, dự án thủy điện Đăk Di 4 nghiên cứu triển khai có 73 hộ dân bị ảnh hưởng. "Hiện nay trên công trường DN đã xây dựng nhà điều hành, nhà ở công nhân và khoảng 600m đường dẫn vào nhà máy trên diện tích đất của người dân. Thời gian người dân mất đất rất dài nên họ nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri vì đã chịu nhiều thiệt thòi. Khi hiến đất xây dựng dự án, trong một năm họ mất hai vụ sản xuất. Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ, đề nghị ngưng mọi hoạt động, không để DN tiếp tục xây dựng các công trình vi phạm trong vùng dự án. Trong tiến trình phát triển, Nam Trà My đang hướng đến đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch nên rất cần có nguồn điện mạnh, ổn định. Chính vì thế, huyện mong muốn tỉnh sẽ sớm có phương án khả thi, hiệu quả nhất để giải quyết dứt điểm những bất cập, tồn tại hậu thu hồi dự án. Đồng thời, có giải pháp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân", ông Mẫn nhấn mạnh.

PHI NÔNG