Cần tạo môi trường bình đẳng giữa hệ thống y tế Nhà nước và tư nhân
(Cadn.com.vn) - Đó là một trong những nội dung quan trọng mà ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề cập tại hội thảo "Bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững" vừa được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Bệnh viện tư nhân chia sẻ gánh nặng quá tải
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển của y tế tư nhân (YTTN) khá nhanh, đóng góp quan trọng vào hoạt động khám chữa bệnh (KCB) cho người dân, chia sẻ gánh nặng quá tải cho các cơ sở KCB nhà nước. Cả nước hiện có hơn 180 bệnh viện và khoảng hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Tính đến tháng 6-2016, có 418 cơ sở YTTN tham gia KCB bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có 150 bệnh viện. Năm 2015, có 1,45 triệu người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu ở các bệnh viện tư nhân (BVTN). Từ 1-1-2016, sau khi thông tuyến huyện trong KCB BHYT, số người đến KCB BHYT tại các cơ sở YTTN có sự gia tăng đáng kể. Như vậy có thể thấy, tỷ lệ các cơ sở KCB tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ KCB BHYT đối với bệnh nhân là tương đối cao: 150/180 bệnh viện (khoảng 83%), nhưng đối với phòng khám rất thấp (khoảng 0,55%).
"Việc tham gia KCB BHYT của các cơ sở YTTN đã góp phần đảm bảo, tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT, đồng thời giúp các cơ sở KCB tư nhân có nguồn quỹ ổn định để hoạt động… Các cơ chế, chính sách về BHYT, liên quan đến khối YTTN ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực, một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc được BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, các cơ quan trung ương, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ, dần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư YTTN sau một thời kỳ dài đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức", ông Đệ khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đệ, mặc dù đã có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, tuy nhiên, số lượng BVTN chưa nhiều, chưa đảm bảo chủ trương xã hội hóa (khoảng 180 bệnh viện tư nhân/1.300 bệnh viện, tương đương được 15%), số giường ở BVTN chiếm 10% trong tổng số giường bệnh và công suất sử dụng giường bệnh trong các BVTN chỉ khoảng 50%, đây là sự lãng phí lớn cho đầu tư. Tuy nhiên các cơ sở KCB tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH so với các cơ sở KCB nhà nước vẫn còn thấp (19%). Hoạt động cung ứng dịch vụ KCB BHYT của hệ thống YTTN vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, nhất là về cơ chế, chính sách cần sớm được giải quyết tháo gỡ, tạo môi trường bình đẳng giữa hệ thống y tế nhà nước và YTTN để nâng cao chất lượng các dịch vụ KCB, phục vụ tốt nhất nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân.
Ông Đệ cho biết thêm: "Sau gần 20 năm thực hiện, đây là chủ trương đúng đắn, hiệu quả, gắn liền với đòi hỏi của thực tiễn. Lợi nhuận từ hoạt động KCB tại các BVTN tiếp tục được tái đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, chia sẻ gánh nặng quá tải với bệnh viện nhà nước, đó là một loại kinh doanh dịch vụ đặc thù. Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành, vận hành, cơ chế, chính sách liên quan đến các cơ sở KCB tư nhân, trong đó có chính sách BHYT chưa bám sát thực tiễn, không phù hợp với yêu cầu phát triển của hệ thống YTTN, thậm chí một số chính sách lại trở thành rào cản cho sự phát triển của khối y tế này, đồng thời là căn nguyên dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa y tế nhà nước và YTTN, không hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư YTTN".
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam (thứ 2 từ trái sang). |
Cần có biện pháp giải quyết khó khăn cho YTTN
Ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, BHXH là tổ chức đại diện cho người tham gia BHYT ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB tư nhân (doanh nghiệp). Như vậy, về bản chất, mối quan hệ giữa BHXH và các cơ sở KCB tư nhân là quan hệ đối tác. Do đó, hoạt động KCB phải dựa trên căn cứ là hợp đồng giữa 2 bên. Tuy nhiên, do đồng thời là cơ quan quản lý BHYT nên mối quan hệ giữa cơ quan BHXH với các cơ sở KCB tư nhân trở thành quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Nếu không có những chế tài đủ mạnh để giám sát chặt chẽ, rất dễ nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho trong mối quan hệ này. Đây là điều bất hợp lý, bởi từ chỗ bệnh viện, phòng khám tư nhân tham gia BHYT với tư cách là đối tác lại trở thành đối tượng chịu sự quản lý.
Ông Đệ nói: "Mặc dù Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 nhưng rõ ràng khi cơ chế, chính sách vẫn còn có những ràng buộc, thì trên thực tế, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như YTTN rất khó để có được sự bình đẳng, nói gì đến hỗ trợ, phục vụ. Đây là hiện tượng kiểu "vừa đá bóng vừa làm trọng tài" rất khó để tạo ra sự khách quan, công bằng, minh bạch trong việc thực hiện chính sách BHYT. Khi xảy ra tranh chấp, bên chịu thiệt thòi chủ yếu là các cơ sở KCB tư nhân. Vì về lâu dài, các cơ sở KCB tư nhân không có đối tác… thứ hai để ký hợp đồng KCB BHYT. Cơ quan BHXH vừa là đối tác duy nhất độc quyền, vừa là cơ quan quản lý, thậm chí là một trong những cơ quan tham mưu xây dựng chính sách về BHYT. Đây là vấn đề rất bất cập và rất khó để giải quyết ngay những thực tiễn đang đặt ra gay gắt đối với những nhà nghiên cứu chính sách".
Ngoài ra, cũng theo ông Đệ, hiện nay có tình trạng BVTN phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương bệnh viện nhà nước, nằm trên cùng địa bàn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, số lượng giường bệnh, trình độ nhân lực tương tương nhau nhưng số lượng thẻ BHYT được phân chênh lệch nhau rất lớn, chủ yếu nghiêng về bệnh viện nhà nước. Cá biệt có những nơi bệnh viện nhà nước cùng hạng tương đương với BVTN nhưng số lượng thẻ BHYT được phân lớn gấp 3-4 lần. Đây là ví dụ cho thấy sự phân biệt công tư quá rõ ràng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư lĩnh vực y tế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
"Hiện nay, ở nước ta có gần 80% người dân tham gia BHYT. Trừ một số ít BVTN ở các thành phố lớn tồn tại và phát triển được mà không cần tham gia KCB BHYT, đa số các BVTN ở các tỉnh, thành phố đều phải ký hợp đồng KCB BHYT. Thậm chí, đây là nguồn sống, "bầu sữa" để bệnh viện hoạt động, phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh viện này không được hoạt động theo quy luật cung - cầu vì phụ thuộc vào nguồn bệnh nhân BHYT… Đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế cần có biện pháp giải quyết khó khăn này của khối YTTN, tránh nảy sinh cơ chế xin - cho và biểu hiện lợi ích nhóm khi tiến hành phân thẻ BHYT KCB ban đầu", ông Đệ nhấn mạnh.
Lê Hùng