Báo Công An Đà Nẵng

Cẩn thận với kho gas khổng lồ giữa Âu thuyền Thọ Quang

Thứ bảy, 01/10/2016 12:15

(Cadn.com.vn) - Chiếc xe xì-tẹc lùi vào cuối cầu cảng của Âu thuyền Thọ Quang để tiếp dầu cho các tàu hàng bán lẻ. Đường ống dẫn với nhiều khớp nối từ xe bồn vắt qua tàu cá để chuyền xăng dầu qua cho tàu buôn, đi qua cả những khu nấu nướng đang đỏ lửa của ngư dân. Rùng mình hơn, các thuyền viên trong thời gian nghỉ ngơi hay sửa soạn ngư lưới cụ cứ lăng xăng chạy qua chạy lại khu vực bơm dầu với điếu thuốc đỏ rực trên tay. Họ chẳng màng đến việc mình đang đứng giữa “thế trận hỏa công” liên hoàn với khoảng hàng nghìn bình gas cỡ lớn san sát nhau giữa các tàu cá!

Khi có bão, Âu thuyền Thọ Quang có khoảng 10.000 bình gas từ các tàu thuyền.
Tuy vậy, ngư dân còn rất bất cẩn với nguy cơ cháy nổ.

“LẠNH GÁY” VỚI SỰ BẤT CẨN

Thời gian qua liên tục xảy ra những vụ nổ bình gas, cháy tàu thuyền, khiến ngư dân tử vong khi đang hành nghề trên biển. Số vụ cháy nổ xuất phát từ xăng dầu, bình gas khi nấu nướng, sinh hoạt tại các khu neo đậu tàu thuyền tập trung cũng không ít. Khi được hỏi, rất nhiều ngư dân cho rằng vẫn biết đến những sự cố nguy hiểm nhưng họ không bỏ được những thói quen xuề xòa trong sinh hoạt hoặc phớt lờ các quy định cấm của BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Vì coi tàu cá như một ngôi nhà nên hầu hết các chủ tàu và thuyền viên đều bố trí khu bếp ở phía sau. Trong một diện tích rất hẹp, ngoài bình gas phục vụ nấu nướng nằm rất gần nguồn lửa thì hàng chục bình khác dự phòng cũng được xếp san sát nhau, cột bằng dây thừng, khi có sóng gió có thể nghe tiếng va chạm giữa các bình với nhau. Gần trưa, chúng tôi vào gian bếp tàu cá QNg-92042 của tỉnh Quảng Ngãi đúng lúc 2 ngư dân đang chuẩn bị cơm cho cả tàu. Anh Đàn, một ngư dân của tàu vừa phì phèo điếu thuốc vừa bật bếp gas để nấu canh. Điều khiến chúng tôi rùng mình là sau khi một bên bếp đang đỏ lửa thì anh dùng tờ giấy báo đốt lên để mồi lửa cho bên còn lại nghe đánh “phập”. Anh Đàn cho biết, một bên bếp đã bị hư công tắc chưa kịp sửa nên để nấu cùng lúc thì phải vặn gas lên rồi châm lửa cho tiện. “Dùng rứa cũng quen rồi, xong vài chuyến nữa đổi bếp mới luôn. Nhiều tàu bếp dùng lâu năm cũng như ri cả. Có sao đâu mà chú cứ nghiêm trọng thế!” - anh Đạt cười xòa.

Giữa trưa, trong lúc hầu hết các khu bếp của ngư dân còn đỏ lửa thì một chiếc xe bồn lùi sâu vào cầu cảng Âu thuyền Thọ Quang để tiếp nhiên liệu cho các tàu bán lẻ. Trong khi tài xế và phụ xe đấu nối ống dẫn và thực hiện bơm nhiên liệu từ xe bồn chảy qua các con tàu để đến được với một tàu hàng nằm ngoài xa thì ngư dân ngồi sát đó vẫn ung dung bật lửa hút thuốc. Chỉ cần một sơ suất nhỏ dẫn đến rò rỉ dầu thì điếu thuốc mà chàng thanh niên đang phì phèo có thể gây ra hậu quả khôn lường. Vậy nhưng cả người bơm xăng dầu cũng như nhiều ngư dân đang làm việc tại khu vực ngòi nổ của “thế trận hỏa công” này không có bất cứ một phản ứng gì. Khi chúng tôi khuyến cáo, người thanh niên bập môi rít một hơi dài khiến điếu thuốc đỏ rực trước khi búng cái vèo xuống nước kèm theo cái cười mỉm: “Bác cứ dọa em!”.

Theo thiết kế,  âu thuyền đủ đảm bảo cho 493 tàu thuyền neo đậu an toàn, nhưng vào những ngày có mưa bão thì lượng tàu các tỉnh miền Trung vào đây có thể lên tới hơn 1.000 chiếc. Nếu tính trung bình mỗi tàu trang bị 10 bình gas thì lúc cao điểm trong âu thuyền có thể có khoảng 10.000 bình gas loại lớn. Bên cạnh đó, đối với các tàu đánh bắt xa bờ thì lượng dầu trữ ở các khoang là một con số khổng lồ nữa. Vậy nhưng điều khiến nhiều người lo lắng chính là ngư dân chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng cháy, cả về ý thức trong sinh hoạt cũng như việc mua sắm trang thiết bị chữa cháy. Nhiều tàu có bình chữa cháy mini nhưng lại trong trạng thái hoen rỉ vì tiếp xúc với nước mặn lâu ngày, không còn sử dụng được. “Theo quy định thì phải có nhưng thú thực với anh là nhiều người không biết dùng nó như thế nào. Chúng tôi sắm ra đó nhưng vì chưa khi nào dùng nên giờ khô rang, nhẹ tênh, chẳng buồn sắm lại” - ngư dân Nguyễn Văn Mùa của tàu cá BĐ-96973 cho biết.

Ngư dân (giữa) phì phèo thuốc ngay miệng xe bồn đang cấp xăng dầu.

BÀI TOÁN NAN GIẢI, MỐI LO THƯỜNG TRỰC

Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, song song với việc kêu gọi tàu thuyền vào trú tránh an toàn thì chính quyền và cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ANTT, PCCC tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang. Ngay tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão đầu mùa mới đây, ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TPĐN cũng chỉ đạo các cơ quan đặc biệt lưu ý đến công tác phòng chống cháy nổ của cộng đồng ngư dân khi cho tàu vào trú tránh tại đây. Ông Minh cho rằng, Âu thuyền Thọ Quang khác biệt với công tác phòng chống cháy nổ bình thường. Đó là càng vào mùa mưa bão lại càng tiềm ẩn nguy cơ vì tàu thuyền tập trung nhiều, chứa lượng lớn các loại nhiên liệu có nguy cơ gây cháy nổ cao. Nếu việc neo đậu không hợp lý, sinh hoạt bất cẩn thì có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

Theo ông Huỳnh Văn Phương - Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, để nâng cao ý thức của ngư dân, giảm thiểu các tác nhân gây cháy nổ, BQL thường xuyên phối hợp với lực lượng CSPCCC & CHCN trên sông thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm. Nhờ triển khai quyết liệt nên thời gian qua không có sự cố cháy nổ nào lớn xảy ra. Tuy vậy, trên thực tế thì một bộ phận ngư dân vẫn còn thờ ơ, cẩu thả trong sinh hoạt, neo đậu tàu thuyền, trang bị dụng cụ PCCC. Ông Phương cũng cho hay, BQL khuyến cáo, vào những ngày trú tránh bão, do mật độ tàu thuyền đông đúc, bà con nên sử dụng thực phẩm ăn liền hoặc ăn ở quán, hạn chế nấu nướng trên tàu. Tuy nhiên, trong thực tế, để tiết kiệm chi phí, hầu như tàu nào cũng đỏ lửa nấu ăn.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, mối lo về nguy cơ cháy nổ tại Âu thuyền Thọ Quang đã được cảnh báo từ lâu, chính quyền quận cũng thường xuyên đề nghị BQL Âu thuyền, BĐBP, CSPCCC & CHCN trên sông tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân nâng cao ý thức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là ý thức của các chủ tàu cá. “Việc quy hoạch âu thuyền đáp ứng yêu cầu thực tế cũng đã được chính quyền thành phố và các ngành liên quan tính đến. Tuy nhiên, đó là bài toán tương lai, còn hiện tại thì biện pháp hữu hiệu nhất cũng chỉ là tuyên truyền và tăng cường kiểm tra” - bà Tâm cho hay.

Công Khanh

Một số vụ nổ bình gas nghiêm trọng trên tàu cá

* Ngày 20-8, do bất cẩn trong nấu nướng, 2 ngư dân trên tàu cá QNg-96569TS  (Quảng Ngãi) đã bị thương nặng khi bình gas trên tàu phát nổ. Một trong số 2 người đã tử vong trên đường di chuyển vào bờ để cứu chữa.

* Ngày 27-4, khi đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa, bình gas trên tàu cá của anh Dương Văn Quang (Lý Sơn, Quảng Ngãi) bất ngờ phát nổ làm 2 ngư dân chết tại chỗ, một ngư dân khác bị thương nặng.

* Tại Quảng Nam, có thời điểm trong 1 tháng xảy ra 3 vụ tàu cá bị cháy nổ khi đang neo đậu tập trung. Nguyên nhân chính của các vụ cháy đều bắt nguồn từ chập điện, rò rỉ bình gas.

* Tại Đà Nẵng, vào năm 2012, một tàu cá phát nổ, bốc cháy khi đang neo đậu trên sông Hàn cũng do bình gas rò rỉ.