Báo Công An Đà Nẵng

Cần "thanh lọc" các trường ĐH không đảm bảo chất lượng

Thứ hai, 09/01/2017 10:59

(Cadn.com.vn) - Có đại biểu đã ví Hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học" do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng ngày 7-1 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ là hội nghị "Diên Hồng". Bởi lẽ, tại đây, gần 300 đại biểu đến từ các trường ĐH công lập và ngoài công lập đã thẳng thắn mổ xẻ gay gắt những bất cập, hạn chế liên quan đến chất lượng bậc giáo dục ĐH.

Cần công khai, minh bạch chất lượng giáo dục ĐH

Chưa bao giờ ngành giáo dục Việt Nam lại đứng trước một thách thức rất lớn đó là chất lượng giáo dục đại học (GD ĐH). Điều này đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại hội nghị. 

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, xã hội đã chưa thực sự công tâm, công bằng khi nói chất lượng GD ĐH có "vấn đề", nhưng lại không đề cập đến một bất cập đó là học phí bậc ĐH ở nước ta thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Theo ý kiến của Phó Gs.Ts Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chi phí đầu vào cao cũng chưa thể khẳng định chất lượng sẽ cao, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu chi phí đầu vào thấp thì không thể đòi hỏi chất lượng đào tạo cao được.

Đại biểu đến từ các trường ĐH trong cả nước đóng góp ý kiến liên quan đến chất lượng đào tạo bậc ĐH. Ảnh: P.T

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng: Có một nghịch lý đang diễn ra đối với ngành GD-ĐT bậc ĐH  đó là yêu cầu chất lượng rất cao trong khi điều kiện để đảm bảo chất lượng, môi trường cơ chế, thể chế còn nhiều vấn đề bất cập, cần bàn. Bởi, muốn có chất lượng thì vấn đề tài chính phải đảm bảo. Chủ trương của Nhà nước cho phép thu học phí tương đương với chất lượng đào tạo. Với mức học phí ĐH hiện quá thấp so với các nước trên thế giới, khó lòng đòi hỏi chất lượng GD ĐH cao được. Để giải bài toán về chất lượng, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngoài việc đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, của cả thể chế, thì trước hết các trường ĐH mà cụ thể ở đây là hiệu trưởng, người đứng đầu các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các trường ĐH phải công khai minh bạch chất lượng đào tạo cho xã hội biết. Có như thế xã hội mới tin tưởng gửi gắm con em mình vào học. Bởi lẽ, GD trước hết là phải có niềm tin. Một khi xã hội không tin vào chất lượng GD ĐH thì trách nhiệm của các trường ĐH là phải có câu trả lời chính đáng để xã hội tin tưởng. Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ có trách nhiệm giải trình về chất lượng GD ĐH trước Quốc hội, trước cử tri cả nước, nhưng sẽ không đại diện cho hiệu trưởng về chất lượng đào tạo ĐH trước xã hội, bởi chính người đứng đầu các trường ĐH phải chịu trách nhiệm trước xã hội về cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng.

Cũng liên quan vấn đề chất lượng, Phó GS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho rằng, Bộ GD-ĐT cần mạnh tay sửa chữa những sai lầm của quá khứ khi "đẻ" ra quá nhiều trường ĐH không đủ chuẩn. Về ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian tới sẽ ưu tiên điều chỉnh cơ chế chính sách trong quản lý GD ĐH, rà soát lại mạng lưới và kiểm định chất lượng. Theo đó, trong cuộc cạnh tranh này, các trường ĐH không phân biệt công lập hay tư thục, phải công khai minh bạch chất lượng cho xã hội biết. Việc chia tách, sáp nhập hoặc giải thể nếu xét thấy trụ không nổi là điều tất yếu sẽ phải xảy ra nếu các trường ĐH không đủ năng lực. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới cũng nên công khai bộ khung về đội ngũ giảng viên của các trường ĐH cho xã hội biết.

Trăn trở trước vấn đề xã hội đang bức xúc về việc SV tốt nghiệp ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có rất nhiều lý do, nhưng rõ ràng nguyên nhân quan trọng vẫn bắt nguồn từ phía cơ sở đào tạo ra nguồn nhân lực bậc ĐH (phía cung). Theo đó, cần phải bàn bạc những thành tố nào tác động đến việc cải thiện chất lượng ĐH, phân công, phân diện rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan từ phía cung là các trường ĐH, đến phía cầu (là thị trường lao động); rồi phải bàn đến trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, của Bộ trưởng, của hiệu trưởng, của hội đồng trường.

 Thí sinh nộp hồ sơ đại học khu vực phía Nam. Ảnh: T.N
 

Nhiều bất cập, hạn chế trong công tác dự báo, chương trình đào tạo!

Đấy là nhận xét của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở đào tạo ĐH hiện chỉ dành thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, chưa quan tâm đến công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, các trường ĐH còn dựa theo kinh nghiệm và năng lực đào tạo hiện có của thời tập trung bao cấp, không phù hợp với xu thế hội nhập của cơ chế thị trường là cung cấp dịch vụ. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, các trường phải quan tâm đến công tác này, phải dự báo được nhu cầu nguồn lao động mà thị trường cần gì và cần bao nhiêu để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo cho phù hợp. Bộ trưởng ví dụ để SV tốt nghiệp ra trường không có việc làm, đặc biệt là ngành sư phạm cho thấy cung vượt cầu. Hay nhiều gia đình đầu tư cho con nhưng sau khi ra trường không có việc, có nhiều trường hợp phải giấu tấm bằng ĐH để làm những việc lao động chân tay. Điều này cho thấy công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của các trường ĐH còn yếu.

* 3 vấn đề lớn của giáo dục ĐH gồm: Các giải pháp nâng cao tỉ lệ việc làm của SV tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Các giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Đổi mới quản trị ĐH để thực hiện hiệu quả tự chủ ĐH được gần 300 hiệu trưởng các trường ĐH công lập, ngoài công lập trong cả nước trao đổi, thảo luận.

Bộ trưởng cho rằng, nhu cầu thị trường lao động của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng cao, nếu các trường ĐH không chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ thì sẽ "thua ngay trên sân nhà". Theo đó, phải hành động chứ không chỉ có bàn, hãy hành động trước rồi lên tiếng với xã hội. Cũng theo Bộ trưởng, chương trình đào tạo một số trường ĐH rất cũ, cần phải nghiên cứu thay đổi. Trong quá trình đổi mới chương trình, đừng quá câu nệ "hoài cổ" với những ngành truyền thống giờ không được xã hội cần nữa, bởi KHCN luôn thay đổi, tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì thế, các trường cần xác định những ngành nghề mà xã hội cần để tập trung vào đào tạo cho có chất lượng.

Ngoài chương trình đào tạo, các trường phải tập trung vào vấn đề đội ngũ giảng dạy. Bộ trưởng cho rằng, với tỉ lệ chỉ có gần 20% đội ngũ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, còn phổ biến là thạc sĩ và ĐH là rất thấp. Với đội ngũ giảng viên mỏng, tỉ lệ chất lượng tiến sĩ còn thấp, tỉ lệ SV/giảng viên không tương xứng,  giảng viên mà không nhớ nỗi tên SV mình giảng dạy thì lấy đâu ra chất lượng. Thứ đến là vấn đề về cơ sở vật chất của các trường còn quá nghèo nàn, không đáp ứng yêu cầu đào tạo. Có không ít trường chủ yếu là dạy- học chay. Nâng cao chất lượng đào tạo không thể nóng vội mà cần phải có lộ trình, nhưng phải thực hiện quyết liệt.

Phan Thủy