Cần tháo gỡ bất cập cho các trường phổ thông dân tộc bán trú
(Cadn.com.vn) - 5 năm qua, do không có kinh phí nên để duy trì hoạt động, các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở H. K’Bang, tỉnh Gia Lai buộc phải khấu trừ từ tiền ăn của học sinh bán trú (HSBT) để chi trả các khoản: hợp đồng cấp dưỡng, mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt nội trú cho HS...
Đó là câu chuyện do ông Lê Thanh Hải - Trưởng Phòng GD-ĐT H. K’Bang, nêu ra tại hội thảo Phát triển hệ thống các trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi (viết tắt: trường PTDTBT) do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10-6 vừa qua. Từ đây, những bất cập tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 24 của Bộ GD-ĐT về “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT” đã được các nhà quản lý giáo dục đưa ra với nhiều trăn trở.
Chuyện ít biết ở K’Bang
Ông Lê Thanh Hải cho biết, toàn H. K’Bang hiện có 1.686 HSBT từ lớp 1 đến 9 với 7 trường PTDTBT. Trong đó, 2 trường dành cho HS tiểu học, 2 trường PTDTBT dành cho HS cấp Tiểu học và THCS, 3 trường PTDTBT dành cho HS THCS. Do 5 năm nay tỉnh không giao kinh phí nên để mô hình trường PTDTBT tồn tại, ngành GD-ĐT của huyện đành phải tính trên tổng số HSBT để hợp đồng cấp dưỡng, áp dụng “giải pháp” khấu trừ từ tiền ăn của HSBT. Không chỉ có thế, các khoản chi phí khác như kem, bàn chải đánh răng, xà phòng, điện nước... cũng được trích từ số tiền ăn 460.000 đồng/HS. Cũng theo ông Hải, trong khi các nơi khác thực hiện 30 HS/cấp dưỡng, thì ở K’Bang thực hiện 50 em/cấp dưỡng.
“Có nhiều đoàn về kiểm tra, nói chúng tôi làm sai chế độ. Chúng tôi thừa nhận sai và đề nghị họ chỉ cho chúng tôi cách có nguồn kinh phí để chi trả cho đúng. Nhưng không ai chỉ ra được cả. Vì thế, giữa sự tồn tại của hệ thống trường PTDTBT, nâng cao chất lượng giáo dục và cái chuyện sai đó, chúng tôi buộc phải chấp nhận chọn việc tồn tại và nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Hải bức xúc.
Cũng theo ông Hải, so với mức sống của bà con DTTS thì bữa ăn bán trú dành cho HSBT ở K’Bang vẫn tốt hơn rất nhiều. Nhưng do phải khấu trừ nhiều khoản chi nên bữa ăn bán trú của các HS chỉ còn khoảng 18.000 đồng/ngày, đành lấy số đông chia đều, chứ không biết làm cách nào khác hơn. Vì vậy, ông Hải cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phối hợp cùng Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết để các tỉnh có mô hình trường học này thực hiện thống nhất, đồng bộ, không nên để “mỗi tỉnh là một vùng trời riêng”!
Một thực tế nữa được ông Hải đưa ra, đó là để đảm bảo việc duy trì số lượng HS ra lớp, 100% HS lớp 1 của huyện này đều ở bán trú. Theo đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, GV bậc tiểu học tại đây còn kiêm luôn nhiệm vụ giặt giũ quần áo cho các em. Trong điều kiện khó khăn đó nhưng K’Bang vẫn có 1 trường bán trú được ông Hải cho là “số 1 ở Việt Nam về việc chăm sóc nuôi dạy trẻ”, đó là Trường PTDTBT TH Đăk Rông. “Công tác xã hội hóa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, việc chăm sóc nuôi dạy các em về kỹ năng sống tại ngôi trường này rất tuyệt vời. Nếu các bạn đến thăm sẽ chỉ có khen thôi, chứ không thể chê được”, ông Hải tự hào nói.
Theo thống kê, trong số 1.970 nhân viên cấp dưỡng đang phục vụ tại các trường PTDTBT của các tỉnh thành có tổ chức mô hình trường học này thì chỉ có 791 nhân viên có hợp đồng, còn lại đều thuê theo thời vụ. Đây là một bất cập lớn được hầu hết các cán bộ quản lý có tổ chức mô hình trường PTDTBT đề cập đến.
HS vùng cao luôn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn (ảnh minh họa). Ảnh: P.T |
Những bất cập cần tháo gỡ
Hầu hết các nhà quản lý giáo dục đều thừa nhận Thông tư 24 ra đời thực sự là cứu cánh cho ngành GD-ĐT ở những vùng DTTS, miền núi. Theo đó, trong 5 năm qua, hệ thống trường PTDTBT đã có sự phát triển nhanh về quy mô. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy-học tại các trường này hiện vấp phải quá nhiều khó khăn.
Ngoài thiếu nhân viên cấp dưỡng phục vụ HSBT, việc đầu tư cơ sở vật chất dành cho hệ thống trường PTDTBT còn rất nhiều hạn chế, các phòng học, phòng ở, nội trú, nhà ăn, bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sạch chưa đảm bảo... Đa phần các trường PTDTBT tại các địa phương đều được chuyển đổi từ trường TH, THCS, PTCS công lập nên các cơ sở vật chất thiết yếu liên quan như sinh hoạt của HS và giáo viên nội trú chưa được trang bị đủ. Các địa phương phải huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các hạng mục đã nêu trên... Tỉ lệ cơ sở vật chất kiên cố hiện chỉ chiếm từ 30-50%, còn lại là các công trình bán kiên cố, tạm hoặc thuê/mượn. Đến nay chỉ có khoảng 67% HS (98.400/145.998 HS) được ở nội trú tại trường, 60% HS được ăn tập trung tại nhà ăn. Ở một số trường, giáo viên phải thuê phòng trọ để nhường chỗ ở nội trú cho HS, hoặc học sinh tự làm lán, trại xung quanh trường để ở (1,8%)...
Theo bà Trần Thúy Vân - Trưởng Phòng GD-ĐT H. Bác Ái (Ninh Thuận), ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chỗ ăn, chỗ ở cho HSBT, cần quan tâm đầu tư phòng học bộ môn, phòng đa năng cho các hệ thống trường học này. Có như thế mới thu hút HS dân tộc đến trường. Đồng quan điểm này, đại diện lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh Đắc Lắc cho rằng, cần xây dựng thêm các phòng học bộ môn, nhà đa năng để tạo sự hứng thú, thu hút các em đến trường, cũng là điều kiện để các trường PTDTBT tiệm cận với các trường phổ thông cùng cấp tại vùng, hướng đến xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.
Có thể thấy, kể từ khi thành lập đến nay, hệ thống trường PTDTBT đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì và tăng quy mô HS trong độ tuổi đến trường, giảm tỉ lệ HS bỏ học, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GD THCS và duy trì kết quả phổ cập bền vững ở những vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, để mô hình trường học này phát huy hiệu quả và thực hiện đúng chức năng, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển hệ thống trường PTDTBT phù hợp với quy mô phát triển dân số, điều kiện phát triển KT-XH của từng vùng, miền, cần quan tâm tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bất cập đã, đang tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.
Phan Thủy