Cần thiết cương quyết
(Cadn.com.vn) - Trước hết, xin hoan nghênh các cán bộ, chiến sĩ CAQ Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng: Chỉ trong vòng 1 tuần đã khám phá thành công, lôi ra ánh sáng hành vi man rợ của đối tượng Nguyễn Viết Trung, mở đường cho các hoạt động tố tụng tiếp theo.
Hành vi của Nguyễn Viết Trung (1985, trú 40A- Mai Lão Bạng, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được CAQ Ngũ Hành Sơn điều tra làm rõ và nhà báo Trí Dũng phản ánh trong bài “Bắt đối tượng cưỡng bức và hành hạ dã man người yêu cũ” (Báo Công an TP Đà Nẵng đăng ngày 26-12-2013) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội. Qua bài báo, có thể nhìn thấy chân dung của một kẻ tàn bạo và hết sức ngông cuồng: Uy hiếp rồi lột trần bắt nạn nhân đứng giữa lan can trong thời tiết giá lạnh, đánh đập, cắt tóc, dội nước, hiếp dâm...; đồng thời, ghi hình những hành vi dã man của mình và lưu trữ trong điện thoại, xem như chẳng hề có chuyện gì xảy ra!?
Mặc dù hậu quả không nghiêm trọng bằng vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội), nhưng hành vi của Nguyễn Viết Trung không kém nghiêm trọng hơn hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường. Thậm chí, xét về điều kiện, động cơ phạm tội, Nguyễn Viết Trung còn nguy hiểm, tàn bạo hơn: Tường vứt xác để phi tang, còn Trung hành hạ dã man người khác bằng tất thảy những gì nghĩ ra chỉ để thỏa mãn thú tính.
Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Thị Kim Tiến có lý khi nói rằng, vụ Cát Tường không phải là vấn đề y đức mà là đạo đức xã hội. Điểm mấu chốt là ở chỗ này: Đạo đức xã hội xuống cấp không chỉ trong lĩnh vực y tế mà ở hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đối tượng thực hiện những hành vi man rợ, đê hèn, thú tính có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thành phần nào. Điều đáng lo ngại là, hiện nay, trong lý luận lẫn thực tiễn, làm gì để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này lại vô cùng khó khăn, phức tạp. Chẳng ai biết được khi nào những đối tượng này – những người không có tiền án, tiền sự, trước đó không có biểu hiện rõ ràng nào về khả năng phạm tội - ra tay.
Đó không chỉ là thách thức của lực lượng CA, của hệ thống chính trị mà của toàn xã hội, trong đó, yêu cầu cấp bách là bổ sung lý luận, phương pháp đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, phải loại trừ những nguyên nhân xã hội ẩn chứa phía sau những hành vi phạm tội như trên. Nhưng có một điều hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể làm được, đó là trừng trị nghiêm khắc những kẻ đã thực hiện hành vi đó. Nhắc tới điều này, có lẽ cũng nên tham khảo Ấn Độ, nơi mà nạn hiếp dâm tập thể đang ở mức báo động, các cơ quan bảo vệ pháp luật nước này đã phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất – tử hình – đối với đối tượng hiếp dâm tập thể. Xét ở khía cạnh nào đó, việc áp đặt hình phạt tử hình mà hầu như không xem xét đến điều kiện, động cơ phạm tội có vẻ hơi cực đoan. Nhưng, trước tình hình diễn biến quá phức tạp, trước thực trạng người phụ nữ bị khinh rẻ, đối xử thô bạo tràn lan, đó là điều cần thiết và nhất là được cả xã hội đồng tình.
Quay trở lại câu chuyện ở Đà Nẵng, sau khi CAQ Ngũ Hành Sơn bắt giữ, giờ là lúc cần cơ quan này và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thể hiện quyền uy, sự cương quyết đấu tranh với Nguyễn Viết Trung. Sự cương quyết đó phải thể hiện ở tất cả các khâu: Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong đó, phải lưu ý tất cả các tình tiết tăng nặng, áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế, loại trừ những yếu tố có thể dẫn tới khả năng giảm án không cần thiết...
Chỉ có như vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật mới lấy lại sự công bằng cho nạn nhân, đồng thời, trừng trị thích đáng hung thủ và nhất là răn đe, dập tắt những ý định phạm tội tiềm tàng của đối tượng khác trong xã hội. Điều này hoàn toàn không có gì trái với bản chất nhân văn của pháp luật Việt Nam. Trong bối cảnh đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, sự cương quyết đó càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và chắc chắn được cả xã hội đồng tình.
Nguyễn Lê