Báo Công An Đà Nẵng

Cần thiết lập các kênh giám sát để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường

Thứ tư, 17/03/2021 10:44

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, ngày 16-3, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ban hành công văn về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.

Nam sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Gia Tự bị bạn đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. Ảnh chụp từ clip.

Báo động tình trạng bạo lực học đường

Theo ghi nhận trong vòng 15 ngày, trên địa bàn Đắk Lắk liên tiếp xảy ra tình trạng học sinh tụ tập đánh nhau gây thương tích. Tại TP Buôn Ma Thuột, vào tối 9-3, học sinh Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột), có xích mích với nhóm thanh, thiếu niên nên hẹn nhau đến khu vực hồ Ea Kao để giải quyết mâu thuẫn. Hỗn chiến xảy ra, nhóm này dùng dao, gạch, đá tấn công khiến một thiếu niên nhập viện cấp cứu.

Trước đó, vào tối 4-3, học sinh của một số trường THPT trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột hẹn đánh nhau, gây náo loạn cả khu phố. Công an TP Buôn Ma Thuột đang tiếp tục xác minh, triệu tập những người có liên quan để làm rõ. Hay như vụ việc xảy ra ngày 3-3, một nam sinh lớp 10 học Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bị nhiều bạn cùng trường đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. Nam sinh chỉ biết ngồi bó gối chịu trận, xung quanh là tiếng cười nói hả hê. Vụ việc trên đang được Công an thị trấn Ea Kar xử lý. Trước đó nữa, vào ngày 27-2, nhóm 5 học sinh nữ của Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), hẹn đánh nhau giữa đường trong tiếng reo hò, cổ vũ của bạn bè.

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết sẽ có văn bản đề nghị tăng cường vai trò của nhà trường trong việc giáo dục, quản lý các học sinh. Đơn vị sẽ giao cho công an các phường, xã tuyên truyền, vận động gia đình tăng cường quản lý, giáo dục các học sinh.

Nhà trường phải chịu trách nhiệm

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian vừa qua, tình trạng học sinh, sinh viên (HSSV) tụ tập gây mất an ninh trật tự, bạo lực học đường, vi phạm Luật Giao thông đường bộ… xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Nhằm ngăn ngừa, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung như tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Đẩy mạnh triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh.

Sở cũng yêu cầu nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức, hội – đoàn thể, công an, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát và giáo dục học sinh để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Các nhà trường tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa nhà trường với công an địa phương. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời…

Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của các đơn vị, như: hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát… Theo dõi, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ bạo lực học đường. Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình phụ huynh để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường.

Đối với các đơn vị, trường học có học sinh tham gia vào các vụ việc gây gổ, đánh nhau trong thời gian qua, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thủ trưởng đơn vị xử lý nghiêm khắc học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT và báo cáo về sở. Đặc biệt, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự, an toàn trường học tại đơn vị. Các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống vi phạm pháp luật, ngăn ngừa tệ nạn xã hội tại đơn vị.

Đ.L