Báo Công An Đà Nẵng

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự

Thứ tư, 26/11/2014 07:30

(Cadn.com.vn) - Sáng 25-11, Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trên cơ sở tán thành với sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự, qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Bộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình.

2 hay 3 hình thức  sở hữu?

Thảo luận về hình thức sở hữu (Điều 206), dự thảo quy định 2 phương án về hình thức sở hữu: Phương án 1 xác định 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 xác định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu, bởi vì việc quy định hình thức sở hữu theo cách liệt kê như Bộ luật Dân sự hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, có bao nhiêu hình thức sở hữu, hiện có hai loại ý kiến.

Một số ý kiến tán thành với phương án 1 vì cho rằng, nếu chỉ quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất "nhiều hình thức sở hữu" của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp (sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân,...). Theo quy định của Hiến pháp, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, các loại tài sản này thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, các văn bản pháp luật, nhất là Bộ luật Dân sự cần phải ghi nhận về sở hữu toàn dân. Theo đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) phương án 1 thể hiện được đầy đủ, toàn diện các hình thức sở hữu hiện đang tồn tại của nước ta, trong đó có sở hữu pháp nhân nằm trong nội hàm sở hữu chung.

Cho rằng, việc xác định hình thức sở hữu phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành, một số ý kiến đề nghị chỉ có hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng.

Làm rõ các loại pháp nhân

Về các loại pháp nhân (Điều 111 và Điều 112), dự thảo Bộ luật quy định 2 loại pháp nhân cơ bản, đó là: Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá thực tiễn áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 cho thấy chế định pháp nhân còn nhiều bất cập và cần được sửa đổi. Tuy nhiên dự thảo lần này không thay đổi cách tiếp cận so với Bộ luật hiện hành về khái niệm pháp nhân, thậm chí quy định của dự thảo còn thiếu rõ ràng so với luật hiện hành. Đại biểu khẳng định chưa có đột phá nào trong dự thảo về khái niệm pháp nhân và do vậy tất cả những vướng mắc trên thực tế đã không được xử lý. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng việc xác định tổ chức là pháp nhân hay không theo quy định cụ thể của pháp luật...

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đề nghị bộ luật cần có nội dung khẳng định nguyên tắc việc hợp nhất, sát nhập, chia tách, chuyển đổi pháp nhân không phải là việc chuyển quyền và lợi ích của bên thứ 3 được xác lập trước thời điểm đó, trừ trường hợp có sự nhất trí của bên thứ 3. Điều này là hết sức quan trọng vì sẽ đảm bảo tính ổn định và mang tính chất dân sự - đại biểu khẳng định.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung khác: thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (Điều 179); áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật (Điều 12 và Điều 13).

Thu Thủy – TTXVN

Đổi mới về thể chế quản lý ngân sách

Chiều 25-11, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu chung quan điểm cần sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành nhằm đổi mới về thể chế quản lý ngân sách, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, góp phần khắc phục những tồn tại trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước.

Nhiều ý kiến đề nghị các khoản thu chi ngân sách cần bao quát hết các khoản phí, lệ phí. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) tán thành với quy định thu ngân sách phải phản ánh đúng số thực thu, thu từ sổ xố kiến thiết, thu tiền sử dụng đất phải hạch toán vào thu cân đối ngân sách Nhà nước. Với lệ phí là thu của Nhà nước phải đưa vào khoản thu của ngân sách. Đối với phí cần phân thành hai loại, phí nào do Nhà nước đầu tư, cơ quan Nhà nước đảm nhận thì đưa vào thu ngân sách Nhà nước và chi cho bộ máy thực hiện lĩnh vực này để hạch toán chi ngân sách đúng với thực tế. Đối với một số khoản phí phản ánh giá dịch vụ không đưa vào ngân sách của Nhà nước.

Cũng trong chiều 25-11, với 77,46% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 13 Chương, 183 Điều; với 82,7% đại biểu Quốc hội đã tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), gồm 6 Chương 82 Điều. Trước đó, vào buổi sáng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 84,10% đại biểu tán thành.