Báo Công An Đà Nẵng

Cần thực chất, tất cả vì người dân, vì người lao động

Thứ năm, 13/09/2018 17:00

Đó là một trong những yêu cầu được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh tại buổi làm việc với  Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP sáng 12-9.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH.  Ảnh: P.T

Số lượng lao động được giải quyết việc làm phải là thực chất!

Trong nhiều vấn đề được Sở LĐ-TB&XH TP báo cáo, kiến nghị tại buổi làm việc, các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm, đóng góp ý kiến về công tác giải quyết việc làm cho người lao động, công tác quản lý lao động là người nước ngoài và công tác giảm nghèo.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện chương trình "có việc làm" giai đoạn 2016-2020, hàng năm, các thành phần kinh tế trên địa bàn TP đã giải quyết việc làm cho 31.000 đến 32.000 lao động. Riêng 8 tháng năm 2018 đã giải quyết 24.450 lao động, đạt 74,77% kế hoạch năm. Cuối năm 2017, tỉ lệ thất nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng là 3,6%, trong đó chủ yếu tập trung lao lao động chưa qua đào tạo với tỉ lệ là 51% và sinh viên tốt nghiệp ĐH là 22,3%. Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, độ tuổi lao động chưa qua đào tạo đang thất nghiệp từ 25-29 tuổi là 37,1%, từ 30-34 tuổi là 19,21%, đối tượng tập trung chủ yếu là số tốt nghiệp THPT là 67,5%. Hướng phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 3,4%. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ban VHXH HĐND TP cho rằng, cần xem xét cách tính về con số giải quyết việc làm 31.000-32.000 lao động/năm? Theo đó, Sở cần phân tích thêm về cách tính này để có con số phản ánh đúng với tình hình giải quyết việc làm theo hướng thực chất. Đồng tình ý kiến này, trong phần chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần phân tích cặn kẽ, cụ thể hơn để làm cơ sở có thể tin được con số này. Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, cách đặt vấn đề của một sở ban, ngành liên quan đến năng suất lao động là cách tiếp cận chuẩn.  Bởi năng suất lao động chính là chuẩn để đánh giá về công tác giải quyết việc làm. Mặt khác, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, giải quyết việc làm cho người lao động cần gắn với công tác đào tạo đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội. Đừng đào tạo những ngành nghề mà các doanh nghiệp (DN), nhà tuyển dụng và người học không cần. Bên cạnh việc giải quyết công ăn việc làm, cần phải đảm bảo sự bền vững cho người lao động, đó chính là Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là vấn đề "nóng" đang được toàn xã hội quan tâm. Vì thế, công tác quản lý đối với việc đóng BHXH của các DN, đơn vị cần được Sở LĐ-TB&XH quan tâm. Sở phải có trách nhiệm báo cáo cho Thành ủy về tình trạng đóng BHXH của các đơn vị, DN đóng trên địa bàn TP.

Đừng để thoát nghèo lại tái nghèo

Theo Sở LĐ-TB&XH, đề án giảm nghèo của TP ban hành theo từng giai đoạn và thường chuẩn nghèo của TP luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương  từ 20-30%. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo giai đoạn sau thường ưu việt hơn giai đoạn trước và phù hợp với nguyên nhân của từng hộ nghèo, giảm hỗ trợ cho không hướng tới giải pháp mang tính bền vững. Đầu năm 2018, TP có 7.114 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỉ lệ 2,8%. Trong 6 tháng đầu năm ước tính có 2.792 hộ thoát nghèo. Dự kiến, cuối năm còn lại 2.319 hộ nghèo. Theo đó, đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã về đích trước 2 năm. Sở cũng đã tham mưu triển khai hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ cho 448 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoàn trả vốn vay đúng hạn và thoát nghèo; triển khai điều tra hộ có mức thu nhập thấp để phục vụ cho việc xây dựng, hoạch định chính sách giảm nghèo giai đoạn 2019-2023. Đến tháng 10-2018 sẽ tham mưu báo cáo UBND TP chuẩn nghèo và một số chính sách giảm nghèo thực hiện giai đoạn 2019-2023.

Ghi nhận những nỗ lực của Sở LĐ-TB&XH trong công tác giảm nghèo, xóa nghèo, tuy nhiên, đại diện Sở Nội vụ đề nghị, cần nghiên cứu lại vấn đề giảm nghèo để làm sao khi nâng chuẩn nghèo lên thì những người vừa thoát nghèo không rơi vào diện nghèo nữa. Đồng quan điểm này, ông Lê Minh Trung- Phó Chủ tịch HĐND TP cho rằng, trong công tác giảm nghèo, xóa nghèo, không nên đặt nặng vấn đề "về đích sớm", mà nên hướng đến thực chất, đừng để thoát nghèo rồi lại tái nghèo khi chuẩn nghèo được nâng lên. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng, sở dĩ, công tác giảm nghèo của Đà Nẵng về đích trước 1, 2 năm, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, của ngành LĐ-TB&XH, còn nhờ bởi sự vào cuộc của toàn xã hội. Tuy nhiên, ông Đặng Việt Dũng cũng rất ghi nhận các ý kiến đóng góp và cho biết thêm, để không tái diễn tình trạng tái nghèo khi nâng chuẩn, công tác giảm nghèo sẽ được thực hiện theo hướng đa chiều.

Một mặt đồng tình với các ý kiến đóng góp về công tác giảm nghèo, nhưng theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, dù nâng chuẩn theo hình thức nào đi chăng nữa cũng phải dựa vào tổng mức thu nhập hàng tháng, dựa vào sự trượt giá... Đặc biệt, muốn thoát nghèo bền vững phải gắn với việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nếu không, công tác giảm nghèo sẽ cứ triền miên. Cũng liên quan đến công tác thoát nghèo này, Bí thư Thành ủy đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố phải báo cáo con số thật. Theo Bí thư, trong quá trình phát triển của TP, sự phân tầng, chênh lệch giàu nghèo sẽ càng tăng. "Chúng ta cố gắng làm sao để người nghèo đảm bảo được cuộc sống. Vì thế, đừng vì thành tích mà báo cáo số lượng xóa nghèo, rồi sang năm lại lập kế hoạch giảm nghèo. Giải quyết công tác xóa nghèo bền vững, tìm mô hình thoát nghèo bền vững, tất cả hướng tới vì  người dân"- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn trong quản lý lao động người nước ngoài

Đó là đánh giá của Sở LĐ-TB&XH. Theo đó, khó khăn trước tiên là hiện nay văn bản quy định đối với trường hợp xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động có nội dung quy định đối với thành viên góp vốn nhưng lại không quy định về mức góp vốn tối thiểu là bao nhiêu. Lợi dụng điều này, các DN đã để cho người nước ngoài tham gia vào thành viên góp vốn để được xác định không thuộc diện cấp phép. Khó khăn nữa, hiện nay, người nước ngoài được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam nói chung, Đà Nẵng ngày càng nhiều, với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có không ít trường hợp bị phát hiện sai với mục đích thị thực. Dù đã có quy chế, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý đối với người nước ngoài vẫn chưa thực sự tốt. Vì thế, Sở kiến nghị cần phải có cơ chế phối hợp mới để quản lý tốt hơn. Về kiến nghị này, đại diện Công an TP cho rằng, quy chế phối hợp được ban hành theo Quyết định số 8752 (20-12-2016) của UBND TP đã quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ phối hợp của 14 sở, ngành cũng như UBND các quận, huyện trong công tác quản lý. Vì thế, không nên có thêm quy chế mới. Điều cần làm là tổ chức sơ kết, đánh giá lại các mặt ưu điểm, khó khăn, tồn tại, vướng mắc để phối hợp giải quyết. Cũng theo đại diện ngành Công an TP, trong công tác quản lý lao động người nước ngoài, khó khăn nhất là phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Cũng trong quá trình thực hiện công tác quản lý Nhà nước, quản lý xuất nhập cảnh, phát hiện nổi lên một số tình hình vi phạm của người nước ngoài. Đó là một số cá nhân, tổ chức người nước ngoài đến Đà Nẵng câu kết với người Việt Nam để điều hành các tour du lịch, các hướng dẫn viên trái phép. Đã phối hợp với CA các địa phương, Sở Du lịch kịp thời phát hiện và xử lý 23 trường hợp/6 tháng  năm... Một khó khăn khác, người nước ngoài đầu tư kinh doanh nhưng lại núp bóng, đứng tên dưới người khác. Đề nghị thời gian tới, các sở, ngành liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện theo quy chế phối hợp để công tác quản lý người nước ngoài được tốt hơn..

Đồng ý với kiến nghị này, Bí thư Thành ủy lấy làm thắc mắc, đặt câu hỏi: "Không lẽ, phải có quy chế thì mới thực hiện được? Đáng lý, nên căn cứ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị, của luật mà làm chứ. Sao cứ dựa vào quy chế để làm gì? Đừng ỷ lại vào quy chế để rồi thiếu tinh thần nỗ lực, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đã có quy chế rồi lại đẻ thêm quy chế thì có nên không?". Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy, trong quy chế thì phải có quy định rõ ràng về mặt thời gian rà soát lại, đánh giá lại, tổ chức họp bàn, tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung. Đó mới là cái cần trong quy chế phối hợp.

P.THỦY