Báo Công An Đà Nẵng

Cần tìm lời giải cho “cơn khát” ở Đà Nẵng

Thứ bảy, 24/08/2019 07:15

Trong ngày 23-8, ông Hồ Hương - Cty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, tình hình nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ đang giảm. Cụ thể lúc 5 giờ sáng ngày 23-8 đo được độ mặn là 1.200mg, đến 11 giờ trưa giảm còn dưới 900mg. Dự kiến từ ngày 24 đến 31-8 sẽ có từ 4 đến 6 cơn mưa, dù không lớn nhưng cũng góp phần cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình hình, không để tái lập lại trong những năm sau, chính quyền cần phải có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.

Thủy điện Đắc Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia chỉ 25m3/s

Từ giải pháp tạm thời...

Mặc dù Cty Dawaco đã bố trí 19 điểm cung cấp nước cho người dân tại địa bàn Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nhưng vẫn không thể đáp ứng đươc nhu cầu. Trước tình hình này, xe chữa cháy của Công an TP Đà Nẵng và xe bồn chở nước của Quân khu 5 đã được huy động để giải “khát” tạm thời, tập trung các cơ sở trọng điểm và khu vực đông dân cư.

Trong ngày 22 và 23-8, xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Đà Nẵng tiếp tục được điều động để tiếp nước vào bể dự trữ cho Bệnh viện 199 và Bệnh viện Đà Nẵng. Sau liên tục 4 ngày, bể dự trữ hơn 150 khối nước của Bệnh viện 199 đã cạn khô từ ngày 20-8, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh. Nước được dùng để đảm bảo phục vụ cho các dịch vụ cần thiết và quan trọng như xét nghiệm, chạy thận... còn giặt giũ thì bệnh viện chưa hoạt động được. “Bệnh nhân chạy thận cần dùng lượng nước tương đối lớn và quá trình chạy thận không thể trì hoãn bởi bệnh nhân chạy theo chu kỳ. Bệnh viện cũng buộc phải thay đổi lịch bệnh nhân chạy thận để cho phù hợp với tình hình nước hiện tại”, anh Đoàn Trung Kiên, Phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện 199 thông tin.

Lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh chụp ngày 23-8).

Đại úy Nguyễn Trọng Thế Anh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, xe chữa cháy có dung tích 4 khối nước của đơn vị phải hoạt động liên tục để lấy nước. Tuy nhiên, lưu lượng nước và áp lực nước tại các trụ chữa cháy là không đủ nên phải lấy nước ở nhà máy nước Suối Đá cách đó khá xa. “Riêng trong ngày 22-8, xe chữa cháy phải luân chuyển hàng chục lượt nước ở 2 Bệnh viện 199 và Bệnh viện Đà Nẵng. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, các bệnh viện cũng đã chủ động phối hợp với công ty cấp nước để bổ sung nước vào bể dự trữ”, Đại úy Thế Anh nói thêm.

Một xe bồn chở nước dung tích 13 mét khối của Tiểu đoàn 6, Cục Hậu Cần Quân khu 5 cũng được điều động phục vụ người dân trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Ngoài ra, xe chở nước cũng ưu tiên cho các cơ sở như trường học, trạm y tế... Tại trường mầm non Họa Mi (P. Nại Hiên Đông, Sơn Trà), một giáo viên cho biết gần cả tuần nay các giáo viên thay phiên nhau xách nước từ một công trình gần đó để nấu ăn và phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho học sinh.

Tại tổ 30 (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) và những tổ lân cận trong khu vực, trong những ngày qua, nhiều người dân phản ánh không có một giọt nước thủy cục để dùng. Trước tình hình đó, một số hộ dân đành phải thuê người khoan ống, dùng máy bơm để hút nước ngầm dùng tạm. Một số hộ dân do không có diện tích đất trống để khoan ống đành phải đến những nhà dân quanh khu vực có giếng, máy bơm để xin từng lít nước về dùng. Sáng 23-8, có mặt tại Tổ 30 P. Mân Thái, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân nhốn nhào mang xô chậu, bình nhựa, chạy khắp vùng để xin từng lít nước. Anh Lê Văn Dũng (trú tổ 30, P. Mân Thái) cho biết: Để có nước dùng vào những việc cơ bản như tắm rửa và vệ sinh, mỗi ngày trước khi  đi làm tôi đều phải chạy đến những nhà có máy bơm hoặc có giếng trong khu vực để xin từng lít nước. Và cũng đã chừng ấy thời gian, gia đình tôi không thể giặt giũ quần áo vì nguồn nước quá khan hiếm. Nếu tình hình thiếu nước tiếp tục kéo dài như thế thì quả là quá mệt mỏi đối với chúng tôi.

Theo ông Nguyễn Công Hòa, Trưởng nhóm chăm sóc khách hàng của Xí nghiệp cấp nước Sơn Trà, xí nghiệp có 2 xe được dùng để luân phiên phân phối nước cho các điểm cung cấp nước. Ngoài ra còn thuê thêm 2 xe bồn nữa nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Cũng theo ông Hòa, xí nghiệp liên tục nhận được các cuộc gọi nhờ hỗ trợ nước nhưng đành chịu vì nhu cầu trên địa bàn là quá lớn, công tác này cũng chỉ được thực hiện luân phiên.

Tiếp nước vào bể chứa của trường mầm non Họa Mi.

...Đến cần giải pháp căn cơ hơn

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hồ Minh Nam - Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, sáng 23-8, độ mặn đã giảm xuống còn trên dưới 1.000mg/l nên công ty đã gia tăng việc lấy nước từ cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 1.000m3/giờ, tăng so với trước đó 1 ngày. Như vậy, tính đến sáng ngày 23-8, nước sạch từ Nhà máy nước Cầu Đỏ đã phát trên lưới 10.000m3/giờ. Ông Nam cũng thông tin thêm, hiện độ mặn đang được duy trì ổn định, tạo điều kiện cho việc lấy nước. Ông Nam nhìn nhận, do độ nhiễm mặn giảm, tăng được lượng nước cấp mạng đường ống, giúp cho việc mất nước trên diện rộng sẽ được co hẹp lại.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài, ông Nam cho rằng cần xây dựng công trình ngăn mặn vĩnh cửu mới giải quyết triệt để việc chống xâm nhập mặn cho cả vùng. Giải pháp trước mắt, chỉ có cách làm đập tạm ngăn mặn. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố đang chỉ đạo tiếp tục theo dõi độ nhiễm mặn. Nếu không có chuyển biến sẽ xin ý kiến tiến hành làm đập tạm, công việc này chỉ hoàn thành trong vòng 1 tuần.

Liên quan đến công tác xây dựng đường ống đưa nước từ đập dâng An Trạch về, ông Nam cho biết, công trình đã được triển khai bắt đầu từ tháng 6-2019. Tuy nhiên, công ty phải tiến hành đặt hàng để đơn vị cung ứng mua vật tư để sản xuất do loại đường ống phi 1200 hiện chưa có, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và phải vận chuyển từ trong Nam ra. Trong khi đó, việc lắp đặt đường ống này liên quan đến nhiều sở, ngành nên đều phải có những giải pháp riêng cần phải được phê duyệt. Thông tin về tiến độ, ông Nam cho biết, đến nay, công trình đã hoàn thành 70% khối lượng và đang huy động sà lan, máy đào phục vụ cho thi công 400m đường ống, trong đó có 200m đường ống qua sông phải làm chìm qua sông. Theo dự kiến, nếu điều kiện thời tiết không có gì biến động, công trình sẽ hoàn thành vào ngày 10-9-2019.

Mặc dù mang xô ra nhưng ông Nguyễn Đình Hóa vẫn không lấy đầy được nước.

Người dân P. Nại Hiên Đông, Sơn Trà hứng từng giọt nước.

Phản hồi từ Quảng Nam

Cùng ngày, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cũng đã trao đổi với ông Trương Xuân Tý - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam. Theo ông Tý, tính đến thời điểm này, 2 trong số 3 hồ thủy điện (TĐ) lớn nằm trên thượng nguồn sông Vu Gia tuy mực nước đã cạn nhưng vẫn trên mực nước chết, có thể điều tiết dòng chảy về hạ lưu. Hiện mực nước trên hồ TĐ A Vương là 344,37m/340m, trên mực nước chết 4,37m; TĐ Đắc Mi 4 241,93m/240m, trên mực nước chết 1,93m; TĐ Sông Tranh 2 140,24m/140m, trên mực nước chết 0,24m. Riêng đối với TĐ Sông Bung 4 203,8/205m, dưới mực nước chết 1,2m. Thực hiện theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng về việc xả nước để đẩy mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, trong những ngày qua TĐ A Vương xả nước về hạ du với lưu lượng 70m3/s; TĐ Đắc Mi 4 xả với lưu lượng chỉ 25m3/s.

Mới đây, khi làm việc với Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, nguồn nước ở các hồ TĐ trên địa bàn tỉnh ngoài ảnh hưởng đến Quảng Nam còn ảnh hưởng rất lớn đến Đà Nẵng, nhất là trong vấn đề phục vụ cho sinh hoạt. Chính vì thế, việc cân đối nguồn nước ở các hồ TĐ để đảm bảo yêu cầu cho các vùng hạ du rất khó khăn, cần sự hỗ trợ, chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Cần có giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán khô hạn chứ không thể để năm này rồi đến các năm sau cũng vậy. Theo tôi, thứ nhất là tìm giải pháp tình thế chống khô hạn thiếu nước trong năm nay, thứ hai là tính đến bài toán lâu dài hơn cho mùa kiệt trong những năm tiếp theo. Việc giải quyết được bài toán trong mùa kiệt nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn trong mùa lũ. Đó là vấn đề cần Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai chỉ đạo cho các bộ phận chức năng liên quan phối hợp với địa phương nghiên cứu giải pháp xử lý, đảm bảo an ninh nguồn nước”- ông Thanh nhấn mạnh.

Trong cuộc họp khẩn trưa 23-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn bằng việc sử dụng nước tiết kiệm. Người dân thành phố ở những khu vực đang có nước sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên lấy đủ lượng nước dành cho sinh hoạt hàng ngày, hạn chế tích trữ nước để góp phần sớm hồi phục mạng lưới, đảm bảo cấp nước đến cho các khu vực đang còn thiếu nước. Phó chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất kinh doanh chủ động có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình trạng thiếu nước, độ mặn cao hơn mức trước đây trong thời gian đến; chủ động khai thác tối đa nguồn nước ngầm theo giấy phép đã cấp để phục vụ sản xuất và các khách sạn sử dụng tiết kiệm nước và hạn chế lấy nước vào giờ cao điểm (từ 17 giờ đến 24 giờ hàng ngày) để ưu tiên phục vụ cho người dân thành phố.

NHÓM P.V

Triển khai 3 giải pháp quan trọng

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, Sở cùng với các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đúng tiến độ các giải pháp để đảm bảo cấp nước cho thành phố trong thời gian trước mắt, cũng như lâu dài theo Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn năm 2019 đã được phê duyệt tại Quyết định số 6177/QĐ-UBND ngày 18-12-2018, cụ thể:

- Chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngđ, dự kiến khởi công vào cuối tháng 9-2019 và hoàn thành trong năm 2020.

- Triển khai dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng, trước mắt sẽ đầu tư 4 tuyến ống cấp nước cấp bổ sung cho khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, khởi công vào tháng 9-2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019.

- Đẩy nhanh tiến độ tuyến ống Diuke qua sông Hàn và sông Cầu Đỏ, hoàn thành trong tháng 9-2019.