Báo Công An Đà Nẵng

Cần tỉnh táo khi làm từ thiện qua mạng xã hội

Thứ năm, 02/03/2023 06:28
Giấy xác nhận nằm viện giả để kêu gọi từ thiện ở tỉnh Kon Tum.

Một trong số những thủ đoạn “ăn chặn” bớt tiền phổ biến hiện nay thường là tìm đến những mảnh đời thực sự khó khăn, bệnh tật với mục đích đánh động đến lòng tốt của đông đảo thành viên trên mạng xã hội. Sau khi quyên góp được tiền từ cộng đồng, những “nhà hảo tâm” này chỉ trích ra một phần ít trong số tiền quyên góp được cho những người khó khăn, còn giữ lại phần lớn để tiêu xài. Để làm cho nhiều người tin tưởng, họ chỉ công khai tên tuổi, địa chỉ, số tiền của các nhà hảo tâm đóng góp trên mạng, nhưng lại không công khai số tiền đó chi bao nhiêu, làm việc gì để mọi người được biết.

Hành vi “ăn chặn” kể trên khá phổ biến, bởi người được nhận tiền từ thiện không có khả năng tìm hiểu những thông tin khác và những người bỏ tiền ra giúp đỡ cũng không có điều kiện để kiểm chứng số tiền của mình đóng góp đã được chi tiêu vào việc gì. Những người gửi tiền ủng hộ chỉ thấy hình ảnh nhóm này đang phát quà có khi là vài gói mì tôm, có khi là quần áo cũ, mà cũng có khi là một vài bịch kẹo, bong bóng cho trẻ em mồ côi… được tung lên mạng xã hội để những người đóng góp tin tưởng và kêu gọi thêm những nhà hảo tâm khác.

Nghiêm trọng hơn, đối tượng kể trên còn làm giả Giấy xác nhận nằm viện của các bệnh viện tuyến tỉnh về một trường hợp bệnh nhân là trẻ em nhập việc cấp cứu nhưng không đủ tiền đóng viện phí. Để tạo lòng tin, đối tượng này đăng hình ảnh cháu bé đang thở oxy, băng bó ở vùng đầu, giấy xác nhận của bệnh viện và số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để kêu gọi mọi người quyên góp. Thủ đoạn lừa đảo này rộ lên vào đầu tháng 2-2023 tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Điện Biên cũng như nhiều địa phương khác và đã được Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đăng thông tin cảnh báo.

Trước vụ việc trên, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và Điện Biên đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh và Sở TT-TT tỉnh hỗ trợ điều tra, làm rõ vụ việc có đối tượng làm giả giấy xác nhận của bệnh viện về trường hợp nằm viện kể trên, rồi đăng lên các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi từ thiện để trục lợi. Bác sĩ Võ Văn Thiện- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, qua xác minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum khẳng định nội dung và hình ảnh đăng tải trên Facebook kêu gọi quyên góp từ thiện chủ tài khoản tên Công Trường là hoàn toàn không đúng sự thật, vì bệnh viện không có trường hợp bệnh nhân nào như bài đăng và không thực hiện xác nhận nằm viện như hình ảnh đăng trên Facebook.

Tình trạng lợi dụng hoạt động thiện nguyện để chiếm đoạt tài sản của người khác diễn ra trên mạng xã hội trong thời gian qua không phải là hiếm. Bên cạnh việc những người hảo tâm muốn đem chút của cải, sức lực của mình để đóng góp và kêu gọi cộng đồng cùng sẻ chia với những cảnh đời khốn khó, còn có những kẻ lợi dụng việc làm từ thiện để trục lợi cho cá nhân mình.

Trước thực trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo, để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

P.V