Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Cẩn trọng khi nhận thế chấp, cầm cố tài sản

Thứ hai, 12/12/2016 10:07

(Cadn.com.vn) - Bà Phan Thị Bích Liên (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) hỏi: Tôi có cho bà Ngọc mượn số tiền 550 triệu đồng. Bà Ngọc có giao cho tôi cầm một sổ đỏ nhà đất do vợ chồng bà đứng tên. Tôi được biết bà Ngọc không chỉ nợ của tôi mà còn nợ của rất nhiều người. Vậy, tôi có thể yêu cầu phát mãi căn nhà này để thu khoản nợ trước, sau đó các chủ nợ khác mới có quyền lấy không?

Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định Điểm a, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Và Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: "Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng". Do đó, pháp luật sẽ không bảo vệ bà Liên trong giao dịch thế chấp tài sản này. Điều này có nghĩa rằng khoản nợ của bà Ngọc được xem là nợ không bảo đảm dù rằng bà Liên đang giữ sổ đỏ nhà đất. Vì vậy, bà Liên không có quyền ưu tiên yêu cầu phát mãi căn nhà để thu nợ trước các chủ nợ khác. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Liên nên tiến hành thủ tục khởi kiện vụ tranh chấp ra tòa án. Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu bà Ngọc không tự nguyện thi hành, bà Liên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác của

Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật