Báo Công An Đà Nẵng

Cẩn trọng với các Cty bán hàng đa cấp

Thứ sáu, 01/04/2016 10:18

(Cadn.com.vn) - Mới đây, CQĐT Bộ CA đã phanh phui hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của tập đoàn kinh doanh đa cấp (KDĐC) Liên Kết Việt. Tại Huế, tuy chưa có sự hiện diện của Liên Kết Việt nhưng một số Cty hoạt động na ná như thế vẫn đang tồn tại và việc nâng cao cảnh giác cho người dân khi tham gia loại hình KDĐC này là không thừa.

Cty BHĐC huy động vốn

Bà Th. (trú TP Huế) cho biết, giữa năm 2015, một người tìm đến, tự xưng là người của Cty TNHH Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ T.T (gọi là Cty T.T, trụ sở tại Hà Nội), được Sở KH-ĐT Hà Nội cấp giấy phép đầu tư; có giấy đăng ký hoạt động văn phòng đại diện do Sở KH-ĐT tỉnh TT-Huế cấp. Qua giới thiệu, bà Th. biết được Cty T.T đang huy động vốn để xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, nghỉ dưỡng... với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Người này đã “vẽ” ra một viễn cảnh rất tươi sáng bằng “Thỏa thuận hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày” cùng catalogue giới thiệu hàng chục công trình nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Theo đó, nếu một người đóng 5 triệu đồng sẽ được công nhận là “Nhà đầu tư”. Sau khi kết thúc hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày, người hợp tác sẽ được chia lợi nhuận theo tỷ lệ: mức 25 triệu đồng được chia lợi nhuận 3%; mức 50 triệu đồng được chia lợi nhuận 5%; mức đầu tư 100 triệu đồng được chia lợi nhuận 7%...

Theo lũy kế nói trên, nếu người hợp tác đóng 100 triệu đồng, ngoài phần trả hoa hồng ban đầu thì mỗi ngày sẽ lãi 300 ngàn đồng, mỗi tháng 9 triệu đồng, 12 tháng được 108 triệu đồng và sau 3 năm sẽ nhận được 324 triệu đồng. Bà Th. nghĩ thời buổi làm ăn khó khăn mà đầu tư có lãi “khủng” như vậy nên đồng ý tham gia với mức đóng góp 150 triệu đồng. Ngoài ra, bà Th. còn huy động hơn 60 người thân, bạn bè cùng tham gia với số tiền hàng trăm triệu đồng. Một cán bộ điều tra cho biết, chỉ tính riêng ở Huế, Cty T.T đã huy động được khoảng 1.000 người tham gia với số tiền hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, mặc dù Cty này kinh doanh bán hàng đa cấp (BHĐC) nhưng lại không mua bán hàng mà chỉ huy động vốn.

Từ tháng 2-2016 đến nay, trên địa bàn TP Huế cũng xuất hiện một Cty KDĐC khác tương tự Cty T.T., Cty này có nhiều chi nhánh trên toàn quốc, nhưng chưa có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Huế. Theo cơ quan CA, cũng với phương thức huy động vốn đa cấp nói trên, sau thời gian ngắn, Cty này đã thu hút 60 người tham gia với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Tổng số tiền Cty này huy động mà CQĐT CA nắm được trên toàn quốc khoảng 6 tỷ đồng.

Khó khăn trong quản lý

Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) CA tỉnh TT-Huế, dù Bộ CA vừa phá chuyên án, lật tẩy chiêu trò của Cty KDĐC Liên Kết Việt với số tiền huy động khoảng 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 người, thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động theo hình thức này vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở với nhiều chiêu thức huy động đa cấp theo tín dụng, huy động tiền, vàng, theo giá trị mua hàng hóa, chăm sóc sức khỏe... mà thị trường Huế cũng không ngoại lệ. Những Cty này quảng cáo chỉ bỏ tiền một lần rồi hưởng lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng, hưởng mãi mãi là những loại hình kinh doanh mang tính chất lừa đảo. Thực chất, qua một số vụ việc nổi lên thời gian qua dễ dàng nhận thấy, các Cty này chẳng đầu tư kinh doanh gì, chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước. Vòng quay này tiếp tục đến khi không thể chiêu dụ thêm người thì chủ Cty ôm tiền bỏ trốn. Khi đó phần thiệt hại sẽ rơi vào những nhà đầu tư, đặc biệt những người tham gia sau.

Sở Công Thương tỉnh TT-Huế cho biết, hiện trên địa bàn có 25 DN đăng ký BHĐC được Bộ Công Thương cấp phép, thế nhưng chỉ có 3 DN có đăng ký địa điểm hoạt động, 22 DN không có địa điểm kinh doanh. Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế cho rằng, hoạt động BHĐC là hợp pháp và được Nhà nước thừa nhận. Tuy nhiên, do một số DN BHĐC biến tướng, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa đảo, lôi kéo vào hình thức bán hàng, chữa bệnh và huy động vốn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT và ATXH; tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thiệt hại về kinh tế, tinh thần của người dân. Mặt khác, BHĐC không tuân thủ các quy định của Nhà nước được xem là kinh doanh trái phép, trốn thuế và vi phạm Luật Sử dụng lao động... Nhưng do các DN này được Bộ Công Thương cấp phép và không có địa điểm hoạt động cụ thể tại địa phương nên rất khó khăn trong việc quản lý.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở Công Thương tỉnh TT-Huế tiếp nhận 7 đơn, thư tố cáo liên quan đến hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh. Đơn vị này đã buộc các Cty trả lại cho khách hàng số tiền gần 100 triệu đồng, nhiều trường hợp khác hiện đang tiếp tục điều tra xử lý. Theo cơ quan chức năng, tình trạng hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh TT-Huế diễn biến khá phức tạp và ngày càng có nhiều người tham gia vào mạng lưới, chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp, cán bộ hưu trí. Tại Hội nghị Tăng cường quản lý BHĐC trên địa bàn tỉnh diễn ra cuối tháng 3-2016, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế nhấn mạnh, để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả hoạt động BHĐC, thời gian tới, các ban, ngành chức năng và lãnh đạo các địa bàn cần vào cuộc, phối hợp chặt chẽ bằng từng việc làm cụ thể nhằm hạn chế tối đa các đối tượng lợi dụng hình thức BHĐC để lừa đảo. Đoàn kiểm tra tăng cường kiểm tra, kiểm soát các DN BHĐC để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng đóng vai trò quan trọng nhằm giúp người dân nắm bắt các thông tin cần thiết về BHĐC.

H.Lan