Báo Công An Đà Nẵng

Can trường bám biển Hoàng Sa

Thứ sáu, 26/06/2015 09:22

(Cadn.com.vn) - Khác với trăm ngàn ngư dân đất liền, ngư dân đi biển Lý Sơn phải gánh chịu mọi nỗi khổ đau, mất mát, bởi họ không chỉ bị thời tiết giông bão hoành hành, mà còn phải đối mặt với “nhân tai” liên tục hoành hành khi đang cặm cụi kiếm con cá, mớ tôm ở ngay trên vùng biển quê hương mình. Vì thế nếu có dịp ra đến Lý Sơn, chỉ cần hỏi chuyện ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, bị cướp tài sản, đòi tiền chuộc, hoặc bị thiên tai nhấn chìm tàu cá thì từ đứa trẻ cho đến người già đều phẩy tay coi đây là chuyện nhỏ, bởi đối với họ, chuyện này xảy ra như cơm bữa ngay trong gia đình, dòng họ mình từ nhiều thế hệ nay.

Tiếp xúc với chúng tôi trước khi cho tàu vươn khơi bám biển Hoàng Sa sau những chuyến biển hãi hùng vì bị Tàu Trung Quốc tấn công, ngư dân Bùi Văn Phải, chủ tàu cá QNg 96169 TS, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn cho biết, anh và hàng trăm ngư dân đất đảo đã nhiều lần bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, rượt đuổi, tấn công, cướp tài sản ngay trong vùng biển quê hương mình. Trung Quốc họ ỉ tàu to máy lớn  uy hiếp rồi tấn công, cướp tài sản của ngư dân nhưng cũng không làm nhụt tinh thần vươn khơi của ngư dân đất đảo, con cháu của Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Đối với ngư dân Lý Sơn chuyện nghề biển trên sóng dưới gió, sống bằng nghề chài lưới con cá con tôm nơi biển khơi xa là việc làm thường ngày, gặp ngư dân đất đảo, người nào cũng nghẹn ngào bởi theo nghề biển nhiều rủi ro nhưng vì mưu sinh họ đành chấp nhận.

Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi Hoàng Sa.

Theo số liệu thống kê của Nghiệp đoàn nghề cá 2 xã An Vĩnh và An Hải, trong mấy năm trở lại đây, có hàng trăm ngư dân bị tai nạn rủi ro hoặc thiệt mạng, mất tài sản khi đang đánh bắt cá ngoài Hoàng Sa, vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Từ lâu nay, người dân cả nước biết đến Lý Sơn bởi đó là quê hương Hải đội Hoàng Sa, nơi từ hàng trăm năm trước, cứ đến cữ tháng 2 âm lịch, khi trời yên biển lặng, những người dân chài trên đảo Lý Sơn lại treo mình vượt sóng trên những con thuyền nan mỏng manh tiến ra Hoàng Sa để khai thác sản vật, dựng bia cắm mốc chủ quyền nơi Hoàng Sa vạn dặm, nơi mà bao năm trước, những người ra Hoàng Sa biết rằng ra đi là cầm chắc cái chết trong tay nhưng vẫn một lòng trung kiên giữ biển, giữ đảo; nơi mà những ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn không có thân xác người được chôn khắp đảo, bởi thân xác họ đã tan vào sóng nước Hoàng Sa đã trở thành huyền thoại trong nỗi đau tột cùng của người thân ở lại.

Khi nói đến Lý Sơn, người ta nghĩ ngay đến đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió, bởi vậy Lý Sơn được xem là sân sau của “xứ Hoàng Sa tối thị hiểm yếu”. Nơi mà từ Lý Sơn ra đến Hoàng Sa, tàu cá của ngư dân ngày ngày vẫn rẽ sóng vươn khơi đi về, mặc cho những rủi ro luôn rình rập, nơi mà những cánh sóng ra đa ngày đêm nhẫn nại quét sóng canh trời giữ biển của Tổ quốc. Người ta biết đến Lý Sơn, bởi đó là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách đất liền với xứ sở của biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Nơi mà cứ đến rằm tháng 2 âm lịch người dân trên đảo lại thành kính với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, cúng tế vong linh người đã khuất thân xác hòa tan vào biển. Nơi mà nham thạch của những ngọn núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, cùng những rạn san hô và những giọt nước mắt mặn chát của những người phụ nữ ngày đêm tần tảo trên những cánh đồng hành tỏi tạo nên hương vị thơm ngon nức tiếng như thành lũy vững chãi, chắn sóng ngăn gió cùng giặc tàu ô ngoài biển khơi xa...

Tàu cá ngư dân Bùi Văn Phải bị Trung Quốc tấn công tại ngư trường Hoàng Sa.

Ra Lý Sơn mới thấy được tinh thần thép và lòng can trường quả cảm của người dân xứ đảo, họ nhẫn nại bám trụ từ biển gần cho đến biển xa, thả lưới giăng câu suốt đêm ngày để kiếm từng con cá con tôm mưu sinh trên sóng. Trong số đó, không ít người phải nằm lại mãi mãi với đất mẹ Hoàng Sa thân yêu, để lại nỗi đau xót khôn nguôi cho người ở lại. Những ngày này, khi biển Đông luôn dậy sóng, bởi những hành động gây hấn, tấn công, đập phá, cướp tài sản của Trung Quốc đối với tàu cá ngư dân tại Hoàng Sa. Trên đảo nhỏ tiền tiêu, ngư dân Lý Sơn vẫn ngày đêm sửa lại tàu thuyền để chuẩn bị vươn khơi Hoàng Sa, đối với họ công việc thầm lặng ấy như lời cầu nguyện của người dân trên đảo tri ân đến những người không may bỏ xác trong lòng biển sâu hay nơi đảo xa mãi không quay về bờ, bởi lòng kiên trung bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu.

Anh Thư