Cần xác định rõ chủ sở hữu rừng trồng tại Khe Hoa-Suối Lấm
(Cadn.com.vn) - Anh Hồ Văn Cảnh (1973, trú thôn Hội Khách Tây, xã Đại Sơn, H. Đại Lộc, Quảng Nam), trình bày: Năm 1976, ông Dương Đáng (bố vợ anh Cảnh) có khai hoang gần 2ha đất rừng thuộc khu vực Khe Hoa (xã Đại Sơn) trồng sắn, đậu... cải thiện đời sống. Đến năm 1996, ông Đáng nhượng phần đất rẫy này lại cho vợ chồng anh Cảnh tiếp tục canh tác. Đến năm 2007, cán bộ Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan chức năng H. Đại Lộc tiến hành đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng xác định diện tích đất của Hồ Văn Cảnh đang sử dụng là 17.893m2.
Từ khi khai hoang đến nay, gia đình anh Cảnh đã trồng các loại cây, như: dứa, keo lá tràm và không hề xảy ra tranh chấp với cá nhân, tổ chức nào. Đầu năm 2014, khi diện tích đất trên được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Nhà máy xi-măng Xuân Thành xây dựng bãi tập kết nguyên liệu thì hai ông Lê Tranh (trú thôn Đông Lâm, xã Đại Quang, H. Đại Lộc) và ông Nguyễn Văn Nhanh (trú xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) đến tranh chấp. Tương tự, ông Nguyễn May (1932, trú thôn Hội Khách Tây), cho biết: Sau năm 1975, do kinh tế quá khó khăn, ông cùng một số người trong thôn tổ chức khai hoang 33.722m2 đất tại khu vực Khe Hoa-Suối Lấm trồng các loại cây lương thực, cây lâm nghiệp cho đến nay.
Vườn keo lai của anh Hồ Văn Cảnh được trồng từ năm 2011. |
Ngoài ra, theo trình bày của các ông Từ Văn Thắng (1965), Lê Quốc Toàn (1972), Lương Nam (1962), Từ Văn Hải (1959), Nguyễn Ngọc Hùng (1965), Nguyễn Khôi, Lê Văn Tùng (cùng trú xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc), để phát triển kinh tế gia đình và hưởng ứng chương trình “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” do Nhà nước phát động, năm 1996, một số người tại xã Đại Lãnh đã khai hoang đồi núi trọc tổ chức trồng keo tai tượng, keo lai tại khu vực Khe Hoa-Suối Lấm. Trong quá trình khai hoang, trồng cây chính quyền địa phương không có ý kiến gì, không có cá nhân nào tranh chấp và khi thu hoạch cây trồng có làm nghĩa vụ nộp thuế cho địa phương. Hiện tại, trên đất vẫn tồn tại rừng keo lai từ 3-5 tuổi. Thế nhưng, đầu năm 2014, hơn 20ha đất do các hộ dân trên khai hoang, trồng rừng cũng bị ông Lê Tranh tranh chấp.
Cơ sở nào để ông Lê Tranh và ông Nguyễn Văn Nhanh cho rằng toàn bộ diện tích rừng trồng tại khu vực Khe Hoa-Suối Lấm (xã Đại Sơn) thuộc quyền sở hữu của mình? Ngày 19-3, chúng tôi đã làm việc với Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Nguyễn Văn Trung và ông Dương Húy, cán bộ địa chính xã. Theo ông Húy, ngày 8-5-1993, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) quyết định giao 8.714ha đất rừng sản xuất thuộc xã Đại Sơn cho Lâm trường Đại Lộc quản lý, sử dụng.
Đến ngày 6-8-1996, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc lâm trường Đại Lộc đã giao cho các ông Lê Tranh, Đỗ Em, Trương Hồng là cán bộ nhân viên lâm trường 120ha rừng thuộc tiểu khu 80 để trồng rừng. Tuy nhiên, theo ông Lê Tranh: 3 người chỉ trồng được 30ha tại khu vực Khe Hoa-Suối Lấm. Trong năm 2012, 2013, các ông Nguyễn Phì, Từ Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Hùng, Hồ Văn Cảnh lấn diện tích đất rừng đã trồng cây trong khu vực do Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đo đạc...
Theo trình bày của các bên, cho thấy diện tích rừng tại khu vực Khe Hoa-Suối Lấm đang có sự tranh chấp giữa ông Lê Tranh, Đỗ Em, Trương Hồng và các hộ Hồ Văn Cảnh, Nguyễn May, Từ Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Hùng... Tuy nhiên, theo ghi nhận tại hiện trường của chúng tôi: các loại cây lâm nghiệp trồng trên diện tích rừng đang tranh chấp đều có độ tuổi từ 3 năm trở lên, cá biệt có nhiều cây ăn trái được trồng từ năm 2012 trở về trước (tính theo đường kính của cây). Hơn nữa, việc ông Lê Tranh sử dụng quyết định giao đất của Lâm trường Đại Lộc làm chứng cứ chứng minh quyền sở hữu của mình đối với diện tích đất trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Vì, với cá nhân được giao đất rừng nhưng trong thời hạn 3 năm không thực hiện việc trồng rừng sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi.
Do đó, các cơ quan chức năng H. Đại Lộc cần xem xét thời gian sử dụng đất và một số chứng cứ khác, như: cây được trồng, bản đồ do Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đo vẽ vào năm 2007… để xác định chủ sở hữu hợp pháp đối với diện tích đất rừng nói trên.
Bài, ảnh: M.T