Báo Công An Đà Nẵng

Cần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Thứ năm, 29/12/2022 08:30
Trao bằng khen của Chủ tịch thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022 trên địa bàn TP.

Hiện Đà Nẵng có 116 cơ quan báo chí hoạt động, trong đó có 4 cơ quan báo chí TP, 112 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động với khoảng 800 người. Thời gian qua, gần 7 triệu lượt thông tin/năm đã đề cập đến TP trên mạng Internet, mạng xã hội với gần 60 triệu lượt tương tác/năm. Số lượng thông tin đề cập trung bình hằng năm tích cực khoảng 12%, trung tính khoảng 80%, tiêu cực khoảng 9%. Ngoài ra, Đà Nẵng có khoảng 8.000 trang thông tin điện tử, khoảng 2,4 triệu tài khoản mạng xã hội, 250 trang facebook có khoảng trên 20.000 thành viên. Chính vì vậy, công tác báo chí, tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều thách thức. Trong năm 2022, công tác báo chí, xuất bản vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Công tác phối hợp trong định hướng, tuyên truyền vẫn chưa thật sự hiệu quả. Vai trò của Hội Nhà báo trong gắn kết, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục phẩm chất chính trị đối với hội viên chưa phát huy đúng tầm. Việc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống đối, thông tin sai trái của các thế lực thù địch trên báo chí chưa nhiều; chưa có nhiều bài viết, chuyên mục, phóng sự chuyên sâu, cơ sở lý luận chính trị, tư tưởng sắc bén, vững chắc để phản bác lại các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch trên internet và mạng xã hội.

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XIII) được đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, nhất là công tác triển khai và thông tin tuyên truyền, phổ biến về cuộc thi ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được sự quan tâm thích đáng của một số đơn vị; hạ tầng kỹ thuật một số thời điểm vẫn chưa đảm bảo, hay số lượng bài dự thi tự chọn mang tính “phong trào”, chiếm tỷ lệ cao so với tổng số bài dự thi… Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những kết quả nổi bật công tác báo chí xuất bản năm 2022, đặc biệt là việc rà soát hoạt động của các cơ quan báo chí ngày càng chặt chẽ, kịp thời xử lý các trường hợp sai phạm, chưa tuân thủ đúng các chỉ đạo, định hướng, quy định pháp luật về báo chí. Đồng thời, Phó Bí thư yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP, Hội Nhà báo TP giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” gắn với công cuộc chuyển đổi số, tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí với phương châm “chủ động thông tin tích cực”. Các địa phương, đơn vị cần chủ động, chuyên nghiệp công tác lập kế hoạch truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin về những vấn đề xã hội quan tâm cho báo chí bằng nhiều hình thức phù hợp... Các cơ quan báo chí TP cần xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan tiêu biểu về văn hóa, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Về công tác tổ chức cuộc thi thời gian đến, Phó Bí thư Thường trực yêu cầu giảm tính “phong trào”, phân bổ thời gian tổ chức phù hợp, đẩy mạnh xã hội hóa và sự tham gia của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan báo, đài mở chuyên mục phù hợp với nội dung Chuyên đề năm 2023, qua đó tuyên truyền các tấm gương điển hình trong học tập, làm theo lời dạy của Bác.

Lê Anh Tuấn