Cần xét xử sớm vụ chiếm đoạt thành quả sản xuất của người dân
(Cadn.com.vn) - Bà Dương Thị Đương (1976, trú xã Đại Hồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) gửi đơn đến TAND H. Đại Lộc từ tháng 10-2014 nhờ can thiệp về việc người khác ngang nhiên khai thác cây trồng của bà. Thế nhưng, đã 7 tháng trôi qua mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nguyên đơn.
Trong đơn gửi TAND H. Đại Lộc và các ngành chức năng, bà Dương Thị Đương trình bày: Năm 1995, ông Võ Văn Ba (trú xã Đại Sơn) có nhận hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng thuộc diện 327 tại Tiểu khu 71, lô 1 (xã Đại Sơn). Tuy nhiên ông Ba không canh tác, đến năm 1999, ông Ba giao lại diện tích đất trên cho 9 hộ dân thôn Hòa Hữu (xã Đại Hồng) và các hộ này đều đưa cho ông Ba từ 150- 200 nghìn đồng. Với diện tích đất trên, người dân thấy không đủ sản xuất nên tiếp tục khai phát lấn vào đất rừng nên bị UBND xã Đại Sơn lập biên bản xử phạt hành chính. Tuy nhiên sau khi xử phạt, xét thấy người dân thiếu đất sản xuất nên UBND xã tiếp tục để cho người dân canh tác.
Đến năm 2001, ông Đỗ Luyện (một trong 9 hộ dân nhận chuyển nhượng đất rừng từ ông Ba) đã chuyển nhượng lại mảnh đất rẫy rộng 2ha đang canh tác tại khu vực trên cho vợ chồng bà Dương Thị Đương, trên đất đã trồng 30.000 gốc thơm và 1.500 cây keo lá tràm. Bất ngờ, đến năm 2012, ông Võ Văn Ba yêu cầu những hộ dân trên trả đất rẫy lại cho mình dẫn đến tranh chấp.
Bà Dương Thị Đương bức xúc chỉ nơi rẫy keo mình bị người khác khai thác |
Ngày 18-12-2012, UBND xã Đại Sơn họp giải quyết tranh chấp trên và sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, UBND xã Đại Sơn không chấp nhận yêu cầu của ông Ba; tiếp tục đồng ý để cho các hộ dân xã Đại Hồng canh tác trên diện tích đất rẫy trên. Mặc dù chính quyền địa phương đã giải quyết như vậy nhưng đến ngày 10-6-2013, ông Võ Văn Ba thuê 10 người vào khai thác rẫy keo của gia đình bà Đương tại địa điểm trên.
“Biết tin, tôi và em trai chạy lên thì thấy rừng của tôi đã bị chặt phá gần hết. Tôi và em tôi tìm cách ngăn cản nhưng ông Ba không nghe… Ông Ba đã thuê anh Đạo (tài xế) chở 6 chuyến keo, mỗi chuyến 2 tấn. Số keo còn lại sau đó ông Ba vận chuyển bằng trâu kéo. Như vậy ông Ba đã khai thác hết nửa rẫy keo của tôi, ước tính khoảng 24 tấn. Thời điểm đó mỗi tấn keo có giá 1,1 triệu đồng. Với 24 tấn keo ông Ba khai thác trên rẫy của tôi có giá trị hơn 26 triệu đồng… Việc ông Ba ngang nhiên khai thác cây trồng của gia đình chúng tôi nhưng chính quyền địa phương không có động thái xử lý buộc tôi phải gửi đơn lên tòa án cầu cứu nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng. Song, từ tháng 10-2014 đến nay, tòa vẫn không có hồi âm cho gia đình tôi biết”, bà Đương bức xúc cho biết.
Chiều 8-5-2015, làm việc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, cán bộ thụ lý vụ án lý giải cho sự chậm trễ trên: Tôi có điện thoại nhưng gặp con chị Đương, tôi nhắn nói mẹ xuống tòa làm việc. Từ đó đến nay thấy nguyên đơn không xuống nên cứ tưởng họ đã rút đơn. “Sao chị không gửi thông báo về gia đình nguyên đơn?”- chúng tôi hỏi thì bà Oanh cho rằng mình không nghĩ đến tình huống đó. “Trong tuần này tôi sẽ tiếp tục liên hệ với chị Đương để nói chị xuống tòa giải quyết vụ án”- bà Oanh nói.
Bão Bình