Canada tiếp tục chiến dịch tìm ghế HĐBA LHQ
Để đảm bảo giành được ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2021-2022, Canada dự kiến sẽ trao “vài trăm triệu USD” cho Liên minh Châu Phi (AU) để giữ gìn hòa bình và tăng viện trợ nước ngoài cho đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 ngăn chặn những cái bắt tay bí mật và thỏa thuận ngầm trong các hành lang quyền lực của thế giới, nhưng Canada vẫn tiếp tục chiến dịch giành một ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.
Canada muốn giành được ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Ảnh: AP |
Rất cần thiết
Trong các cuộc phỏng vấn riêng với hãng thông tấn Canada CP trong tuần qua, Ngoại trưởng Francois-Philippe Champagne và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Karina Gould đã xác nhận việc Canada tiếp tục vận động để đạt được mục tiêu. Hai quan chức này cho biết, tiếng nói của Canada tại cơ quan có quyền ra quyết định mạnh nhất thế giới là cần thiết hơn bao giờ hết vì những quyết định lớn nằm ở phía trước trong việc quản lý đại dịch và hậu quả của nó.
“HĐBA LHQ là cơ quan quyết định cách thế giới phản ứng với các vấn đề về an ninh và bất ổn toàn cầu”, ông Gould cho biết, khẳng định tầm quan trọng của việc trở thành một trong 10 thành viên không thường trực luân phiên của cơ quan này. “Đây chỉ là lý do tại sao Canada cần có chân trong HĐBA LHQ. Chiến dịch vẫn tiếp tục, nhưng theo một cách khác”, ông tuyên bố.
Sau khi tham gia hội thảo từ xa với Ngoại trưởng các nước G7 vào tuần trước, ông Champagne cho biết, tư cách thành viên trong câu lạc bộ các quốc gia hàng đầu sẽ giúp Canada rất nhiều trong chiến dịch giành ghế đang diễn ra. “Canada đã chủ trì một số cuộc gọi với các nước G7”, ông Champagne cho biết. Theo ông, “Canada có tiếng nói rất cần thiết trên thế giới, nơi chúng ta cần hợp tác, phối hợp và làm việc cùng nhau. Tôi nghĩ rằng Canada mang lại một điều gì đó độc đáo đến với LHQ”. “Tôi nghĩ ngày càng nhiều quốc gia muốn tiếng nói của họ được khuếch đại thông qua Canada. Điều đó xảy ra cả trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát, và thậm chí cả trong thế giới hậu Covid, chúng ta sẽ cần các quốc gia như Canada”.
Colin Robertson, nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm cho biết, uy tín quốc tế của Canada gia tăng trong những tháng gần đây nhờ vai trò trong việc tiếp nhận câu trả lời của Iran về việc bắn hạ một máy bay chở khách Ukraine hồi tháng 1, cũng như hoàn thành một thỏa thuận thương mại mới ở Bắc Mỹ.
“Cần hào phóng hơn”
Canada phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Na Uy và Ireland. Cả Na Uy và Ireland đều được xem là có lợi thế hơn hẳn Canada vì họ chi nhiều tiền hơn cho phát triển quốc tế, cho các nước nghèo và có nhiều nhân viên quân sự được triển khai trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ - hai vấn đề chính của các nước thành viên LHQ. Ông Champagne và ông Gould cho rằng, tầm vóc quốc tế của Canada đã tăng lên nhờ phản ứng của nước này đối với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Cho đến nay, Canada đã chi gói viện trợ nước ngoài trị giá 50 triệu USD, nhưng một số nhà ngoại giao cho rằng Canada cần chi nhiều hơn để giành được phiếu bầu.
Theo ông Stephen Lewis, Đại sứ Canada tại LHQ vào những năm 1980, sự thua kém của Canada trong vai trò gìn giữ hòa bình và viện trợ nước ngoài vẫn là yếu tố mất điểm trong “cuộc đua” vào LHQ, nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 tạo cơ hội để bù đắp cho điều đó. Lewis, một nhà lãnh đạo của quốc tế về gìn giữ hòa bình cho rằng, Canada bị đánh giá tiêu cực về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ngắn ngủi ở Mali, cũng như việc rút quân sớm hơn những gì LHQ mong muốn. Theo ông Lewis, điều đó có thể được khắc phục bằng cách ủng hộ tiền – “vài trăm triệu USD” - cho AU phục vụ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và tăng đóng góp viện trợ nước ngoài cho đại dịch Covid-19. Ông nói rằng, Canada sẽ phải chi tối thiểu sẽ là 140 triệu USD.
Bessma Momani, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Waterloo, cũng có chung nhận định. Theo bà Momani, Canada cần chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong đại dịch, đặc biệt là ở Châu Phi nơi có 54 trong số 190 quốc gia của Đại hội đồng LHQ nắm giữ số phiếu quan trọng trong cuộc bầu cử tại HĐBA. “Cho đến nay, Canada chỉ chi 50 triệu USD, có vẻ khiêm tốn và các quốc gia Châu Phi muốn nhiều hơn nữa”, bà Momani nói. Ngoài ra, theo Hội đồng Tị nạn Thế giới (WRC) do Canada đứng đầu, Canada cần vận động các thành viên thực hiện nhiều hành động chống đại dịch Covid-19 hơn.
AN BÌNH