Báo Công An Đà Nẵng

Càng đi, càng thêm yêu Đà Nẵng

Thứ bảy, 24/04/2021 22:41

Vừa qua, Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi tọa đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa thành phố” với sự có mặt của đông đảo văn nghệ sĩ, đại diện cho 9 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố. Sự kiện này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố đối với việc phát triển văn hóa địa phương.

Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng tổng kết hoạt động năm 2020 và trao thưởng cho các tác phẩm xuất sắc.

Trong lĩnh vực âm nhạc, trong nhiều năm qua, Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn như quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu, quận Hải Châu, huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà... tổ chức nhiều đợt xâm nhập thực tế và sáng tác ca khúc cho các nhạc sĩ hội viên, qua đó hình thành và cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc có chất lượng tốt, được đông đảo công chúng yêu thích và sử dụng. Những đợt xâm nhập thực tế và sáng tác ca khúc ở các địa phương như vậy có ý nghĩa rất lớn đối với việc khắc họa và ca ngợi tính cách con người cũng như các cảnh vật, di tích địa phương, qua đó làm tăng thêm tình yêu thương và gắn bó với quê hương của đông đảo người dân, tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc phục vụ phong trào văn nghệ địa phương.

Tiêu biểu là các tác phẩm sáng tác về Cẩm Lệ như “Cẩm Lệ niềm vui ngày trở lại” (Nguyễn Duy Khoái), “Cẩm Lệ quê hương tôi” (Nam An), “Cẩm Lệ yêu thương” (Thái Phú), “Cẩm Lệ tên người tên đất tên sông” (Trần Ái Nghĩa), “Cẩm Lệ quê mình” (Trương Duy Huyến)... Với Hòa Vang có các sáng tác “Hòa Bắc mừng hội cồng chiêng” (Thái Phú), “Hòa Vang quê mẹ” (Trịnh Mạnh Hùng), “Hroa - Vũ điệu đêm trăng Duông” (Quang Khánh), “Về lại quê xưa” (Trương Duy Huyến)... Trên mảnh đất Hải Châu, các nhạc sĩ cho ra đời nhiều ca khúc như “Gửi trọn tình quê” (Trương Quang Thành), “Hải Châu trái tim thành phố” (Phạm Quang Trung), “Gọi tên sông Hàn” (Nguyễn Đức), “Hải Châu trong tim mẹ” (Nam An), “Tôi yêu Hải Châu” (Mai Danh)... Vùng đất cửa ngõ Liên Chiểu cũng làm xao xuyến lòng người với “Liên Chiểu rạng rỡ tương lai” (Nam An), “Về Liên Chiểu cùng anh” (Lưu Văn Bình), “Liên Chiểu khúc hát xây đời” (Trần Lành)... Với một vùng đất còn khó khăn nhưng thắm đượm tình người như Mân Thái (Sơn Trà) được ngợi ca qua các tác phẩm “Mân Thái quê mình đẹp lắm anh ơi” (Nguyễn Đức), “Mân Thái mình thương” (Thái Phú), Mân Thái làng chài (Võ Đình Nam), “Khúc ca biển” (Trương Quang Thành), “Quê nhà” (Phan Thanh Trường), “Mân Thái tôi nợ một đời” (Trần Lành), “Mân Thái yêu thương” (Nam An)...

Đối với các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ, việc được tham gia các chuyến thực tế cho phép tìm hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ và bài bản hơn về lịch sử, con người, cảnh đẹp, di tích, danh thắng địa phương, cảm thụ rõ nét đời sống lao động sản xuất sinh hoạt của quần chúng, và quan trọng nhất là có cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu, phát huy các làn điệu, giai điệu dân gian địa phương, đưa vào các tác phẩm của mình. Đây là những cơ hội cọ xát, học hỏi đáng quý để các thế hệ nhạc sĩ truyền tải kinh nghiệm cho nhau, đồng thời tiếp thu và học hỏi cái hay, cái đẹp trong việc ứng dụng và sáng tạo âm nhạc, nhằm cho ra đời các ca khúc ngày một tốt hơn.

Đà Nẵng tôi yêu...

Đà Nẵng là mảnh đất tươi đẹp với sông núi biển giao hòa, con người hồn hậu, hiếu khách. Có nơi là những làng chài tồn tại hàng trăm năm thơm mùi gió biển và ngân vang giai điệu hò Kéo lưới, hát Bả trạo như Mân Thái (Sơn Trà), có nơi tràn ngập giai điệu của núi rừng, của đồng bào Cơ Tu chân chất như Hòa Bắc (Hòa Vang), có nơi lại dạt dào tha thiết hơi thở của sông Yên, sông Hàn như Cẩm Lệ, Hải Châu... Mỗi vùng đất của Đà Nẵng với những câu chuyện của nó, những dấu ấn riêng biệt đầy màu sắc là những kho tàng thú vị chờ đợi người khai phá để đem lại những nét nhạc thật hay cho đời sống văn nghệ thành phố.

Tình yêu quê hương hay những nét riêng về văn hóa sẽ dần được định hình rõ nét, được trân trọng và phát huy nếu từng người chúng ta hiểu rõ và yêu quý vùng đất mình đang sống, để có thêm động lực xây dựng và phát triển quê hương.

Để có thêm nhiều tác phẩm tốt hơn nữa, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung tay xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng mà Thành ủy giao phó, trong thời gian sắp đến còn cần lắm sự năng động của Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng và các địa phương trên địa bàn thành phố, cần lắm sự nhiệt tình, nỗ lực và tình yêu của các nhạc sĩ đối với mảnh đất quê hương mình, để các tác phẩm âm nhạc thật sự có chất lượng nghệ thuật và cảm xúc chân thật về từng nơi chốn thân yêu của thành phố được vang lên và có được tình cảm trong lòng công chúng yêu nhạc.

NAM AN