Báo Công An Đà Nẵng

Căng thẳng leo thang ở Thái Lan

Thứ bảy, 30/11/2013 21:22

(Cadn.com.vn) - Người biểu tình đang thể hiện quyết tâm lật đổ chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi xông vào trụ sở quân đội quyền lực của Thái Lan.

Khoảng 1.500 người biểu tình chống chính phủ xông vào trụ sở quân đội Thái Lan, kêu gọi quân đội ủng hộ nỗ lực hạ bệ chính phủ, hành động leo thang căng thẳng mới nhất trong cuộc biểu tình đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Reuters dẫn lời nữ phát ngôn viên quân đội cho biết, người biểu tình xông qua cổng và hiện đang ở trong trụ sở quân đội, nhưng tư lệnh quân đội hiện không có mặt tại văn phòng.

Lãnh đạo cuộc biểu tình Amorn Amornrattananont nêu rõ: “Chúng tôi muốn quân đội lựa chọn liệu sẽ sát cánh cùng nhân dân hay chính phủ”. Khoảng 100 binh sĩ đứng bảo vệ. Hàng trăm binh sĩ khác đứng nhìn từ ban công của tòa nhà có từ thế kỷ XIX.  Tại nơi khác, khoảng 1.000 người tụ tập bên ngoài trụ sở đảng Peau Thai la lớn: “Cút ra ngoài”.

Người biểu tình Thái Lan nghỉ ngơi sau khi xông vào trụ sở Quân đội Hoàng gia.
Ảnh: Reuters

NGƯỜI BIỂU TÌNH QUYẾT LẬT ĐỔ CHÍNH PHỦ...

Các cuộc biểu tình do cựu phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban phát động cho tới nay lan rộng khắp thủ đô Bangkok và một số tỉnh trên toàn quốc. Những người biểu tình cáo buộc đương kim Thủ tướng lạm dụng thế đa số tại Quốc hội để thúc đẩy thông qua những dự luật nhằm tăng cường quyền lực. Họ yêu cầu chấm dứt “chế độ Thaksin” và muốn thay thế chính phủ đương nhiệm bằng “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử.

Quyết tâm lật đổ chính phủ càng được thể hiện rõ khi người biểu tình liên tục từ chối đề xuất đối thoại của bà Yingluck. Thủ lĩnh đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva thậm chí nói rằng, Thủ tướng Yingluck không còn quyền để tuyên bố hoặc tổ chức các cuộc đàm phán bởi vì bà là trung tâm của những xung đột hiện nay.

Ông Abhisit tuyên bố sẽ tiếp tục những nỗ lực cùng với người biểu tình trên đường phố để lật đổ “chế độ Thaksin” đồng thời nhấn mạnh, đảng Dân chủ và bản thân ông sẽ không nhận bất kỳ vị trí nào trong chính quyền lâm thời nếu xảy ra “biến động chính trị”.

Rõ ràng, “cuộc xâm lược” trụ sở đảng cầm quyền càng đào sâu xung đột giữa những người bảo hoàng, tầng lớp trung lưu đô thị với những người nghèo, chủ yếu là người nông thôn vốn ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – người là tâm điểm gây tranh cãi và hỗn loạn sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006.

... NHƯNG BÀ YINGLUCK KHÔNG DỄ “BỊ KHIÊU KHÍCH”

Nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan nắm quyền trong hơn 2 năm mà không gặp thách thức lớn nào cho đến tháng trước, khi đảng của bà cố gắng thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi nhưng bị Thượng viện bác bỏ. Bà Yingluck cũng trì hoãn việc này nhưng các cuộc biểu tình leo thang, chuyển từ chiến dịch chống dự luật ân xá sang nỗ lực hạ bệ chính phủ.

Nhưng bà Yingluck vẫn vững chãi trong “tâm bão”. Nữ chính trị gia quyền lực bác bỏ yêu cầu từ chức, giải thể Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vì tình hình ở Thái Lan không ổn định. Nhưng chính phủ vẫn thể hiện sự bao dung và thực hiện đúng nỗ lực hòa giải dân tộc khi kêu gọi những người ủng hộ và cảnh sát tránh đối đầu với những người biểu tình.

Ngày 29-11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sek Wannamethee tuyên bố, tất cả các quan chức chính quyền được chỉ đạo kiềm chế tối đa trong việc ngăn chặn tình hình một cách hòa bình. “Chính phủ sẽ không kích động tình huống bạo lực bởi vì đó chính xác là những gì ông Suthep (lãnh đạo biểu tình) muốn. Chúng tôi sẽ không bị khiêu khích”, Udomdet Rattanasatein, nghị sĩ của đảng Puea Thai nói.

So với năm 2008, khi Thái Lan chấn động bởi cuộc biểu tình “giúp” lật đổ 2 chính phủ đồng minh của ông Thaksin, quân đội ngay lập tức vào cuộc, kêu gọi Thủ tướng Somchai lúc đó phải từ chức để chịu trách nhiệm về bạo lực đẫm máu. Những ký ức kinh hoàng này đã giải thích lý do tại sao bà Yingluck dường như tránh được cuộc đối đầu với người biểu tình trong 6 ngày qua. Cảnh sát vẫn hạn chế, chỉ ngăn cản người biểu tình bằng rào chắn, thép gai thậm chí lực lượng an ninh bị ném chai nước, lăng mạ, la hét.

Bà Yingluck cũng đã thành công khi “ve vãn” được quân đội hùng mạnh của Thái Lan, đứng trung lập trong các cuộc biểu tình. Mặc dù ra tuyên bố trung lập, rõ ràng, cuộc bao vây trụ sở quân đội của những người biểu tình đang làm sâu sắc và nổi bật vai trò quan trọng của lực lượng này tại quốc gia từng trải qua 18 cuộc đảo chính này.

Khả Anh