Căng thẳng và thách thức
(Cadn.com.vn) - Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc trong nỗ lực hạ nhiệt bế tắc leo thang giữa hai nước liên quan đến các đảo tranh chấp ở biển Đông.
Nhưng phía Trung Quốc cho rằng, có vẻ như chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang gửi thông điệp mâu thuẫn với Bắc Kinh - một mặt đấu tranh cho sự cần thiết của việc nối lại các cuộc hội đàm cấp cao về tranh chấp, mặt khác lại phủ bóng mây đen lên mối quan hệ căng thẳng bằng cách từ chối thừa nhận có tranh chấp trên Senkaku và cân nhắc ý tưởng gửi các quan chức chính phủ đến thăm các đảo.
Thủ tướng Abe có cuộc hội đàm ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh tuần G20 ở Nga, đánh dấu lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc đàm phán mặt đối mặt kể từ khi cả hai nhậm chức. Thêm vào đó, Tokyo tin rằng, ông Abe có thể đàm phán thêm với ông Tập hoặc Thủ tướng Lý Khắc Cường tại bàn hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Indonesia vào ngày 7 và 8-10 tới.
Nhưng điều này bây giờ có vẻ rất khó. Đặc biệt là sau sự kiện hôm 12-9 khi Thủ tướng Abe cam kết tăng cường năng lực quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp trả mạnh mẽ trước mọi “hành động khiêu khích” – ám chỉ đến Bắc Kinh. Phát biểu trước 180 sĩ quan cấp cao, ông Abe nhấn mạnh: “Chúng ta không thể phớt lờ thực tế... rằng đã có nhiều hành động khiêu khích đối với chủ quyền quốc gia của chúng ta. Tôi đang thúc đẩy việc củng cố an ninh quốc gia bằng cách nhìn thẳng vào thực tế”.
Một năm sau khi Nhật Bản đơn phương “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quan hệ Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng đến một mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng ngày một leo thang khi thời gian gần đây các tàu và máy bay của Trung Quốc thường xuyên có những hoạt động “thách thức” các lực lượng của Nhật Bản. Hôm 11-9, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, Tokyo phải tăng cường các máy bay giám sát trong khu vực quần đảo tranh chấp. Trong đó, máy bay chiến đấu phản lực của họ được huy động xuất kích với tần suất kỷ lục để đối phó với máy bay Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc vượt Nga để trở thành đối tượng đứng đầu trong các vụ xuất kích của máy bay Nhật.
Căng thẳng càng thêm rối rắm khi Mỹ ngày 12-9 tiếp tục lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp này. Washington khẳng định, quần đảo Senkaku, hiện do Tokyo quản lý, được bao phủ bởi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, theo đó Nhà Trắng sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công vũ trang.
Thanh Văn