Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh báo bệnh nhân điều trị bằng Methadone buôn bán ma túy

Thứ bảy, 02/08/2014 09:14

(Cadn.com.vn) - Cho người nghiện ma túy điều trị bằng thuốc Methadone là một trong những chính sách giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng, dần từ bỏ ma túy. Tại TP Đà Nẵng chính sách này đang được thực hiện rất tốt, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, qua công tác đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép chất ma túy, CAQ Hải Châu đã phát hiện nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone lại tiếp tục buôn bán trái phép chất ma túy. Đây là điều đáng báo động, bởi chính họ đang được TP tạo điều kiện để tránh xa ma túy nhưng lại đi gieo rắc cái chết trắng cho những người khác.

Hiện ở Đà Nẵng có hai cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone gồm: Cơ sở số 1 tại 91 - Nguyễn Đức Trung (Q. Thanh Khê) và Cơ sở số 2 tại 163 - Hải Phòng (Q. Hải Châu). Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh-Trưởng cơ sở điều trị Methadone số 2, Đà Nẵng cho biết, hiện cơ sở có 154 bệnh nhân đang điều trị.

Hầu hết các bệnh nhân đều chấp hành tốt việc điều trị, đến uống thuốc đúng giờ theo quy định và cơ sở cũng thực hiện nghiêm ngặt chế độ quản lý bệnh nhân. Về vấn đề các bệnh nhân điều trị bằng Methadone nhưng tham gia buôn bán ma túy trái phép và bị cơ quan CA bắt giữ là nằm ngoài khả năng của cơ sở vì không thể quản lý được bệnh nhân khi họ ra ngoài xã hội.

Bác sĩ Trinh cũng thẳng thắn cho biết, ngoài việc buôn bán ma túy, theo thông tin nhận được tại một số cơ sở điều trị Methadone ở các tỉnh, thành khác còn có hiện tượng bệnh nhân ngậm thuốc ra ngoài bán lấy tiền. Về vấn đề này, tại các cơ sở của Đà Nẵng, sau khi được phát thuốc (dạng siro), bệnh nhân phải uống thuốc trước mặt bác sĩ rồi nói câu cám ơn hoặc phải chào bác sĩ để tránh các hiện tượng như đã nói ở trên.

Bệnh nhân nhận thuốc Methadone tại cơ sở điều trị số 2 Đà Nẵng.

Trong khi đó, theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, tính đến giữa tháng 6-2014, toàn TP có 1.686 người có liên quan đến ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó đang cai nghiện tại Trung tâm là 107 học viên, đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú là 547 người, số đang quản lý giáo dục tại địa phương là 592 người, tự ý bỏ đi khỏi địa phương là 102 người...

Để giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng, các ngành, các cấp nhất là ngành LĐ-TB-XH đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, thăm hỏi, động viên phối hợp với các ngành khác tiến hành các biện pháp quản lý, giáo dục, kiểm danh kiểm duyệt... tạo điều kiện làm ăn, tìm công việc mới.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, công tác quản lý người sau cai ở một số địa phương còn lỏng lẻo nên người sau cai tiếp tục sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy, gây bất an cho xã hội. Vì vậy, việc quản lý chặt và tăng cường các biện pháp giáo dục, giúp đỡ... các đối tượng ma túy, người sau cai nhất là những người đang được điều trị bằng Methadone cần phải được thực hiện đồng bộ, góp phần làm giảm tỷ lệ tái nghiện cũng như tái buôn bán ma túy sau khi được hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Tuấn