Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh báo chất lượng nước biển ven bờ đang suy giảm

Thứ năm, 13/10/2016 10:33

(Cadn.com.vn) - Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chất lượng nước biển ven bờ ở nước ta còn khá tốt, với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 10-MT:2015/BTNMT). Nhưng do ảnh hưởng từ khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS) cao. Trong đó sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ và dầu mỡ cũng là những vấn đề cần quan tâm đối với chất lượng nước biển ven bờ trong những năm gần đây.

Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền bởi các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, sản xuất nông nghiệp... Phần lớn các chất thải này chưa được xử lý, thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra các sông, trăm sông đổ về biển hoặc xả trực tiếp ra biển, mang theo một lượng lớn các chất bồi lắng, nhựa, hóa chất, kim loại, cặn dầu, thậm chí cả những chất phóng xạ. Bởi vậy ô nhiễm bởi chất hữu cơ trong nước biển ven bờ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố ven biển.

Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước biển. Ảnh: N.L

Hàm lượng các thông số quan trắc như COD, NH4 trong giai đoạn 2011 -2015 tại hầu hết các khu vực đã ở mức cao vượt ngưỡng QCVN (mục đích nuôi trồng thủy sản và bãi tắm), đặc biệt là ở khu vực biển phía Bắc và miền Nam. Chẳng hạn như Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước biển trong những năm gần đây. Đặc biệt, hiện tượng thủy triều đỏ đã và đang diễn ra ở vùng biển Nam Trung Bộ. Cụ thể tại các bãi biển dọc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện và gây nhiều hậu quả khá nghiêm trọng đến tài nguyên sinh vật và môi trường.

Nguyên nhân do quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp... dẫn đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước (hiện tượng phú dưỡng). Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường lượng dinh dưỡng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển.

Trong lĩnh vực thủy sản, giai đoạn vừa qua diện tích mặt nước sử dụng cho nuôi trồng không tăng, nhưng sản lượng thủy sản lại gia tăng liên tục với mức tăng bình quân 9,07%/năm. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hàng trăm nghìn héc-ta, trong đó diện tích nước mặn và nước lợ chiếm 72% tổng diện tích. Trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,4 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Đáng lưu ý là hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật về thức ăn nuôi trồng thủy sản để có thể công bố, cấp chứng nhận như quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về kinh tế biển, tính đến tháng 9-2014, các tỉnh, thành phố duyên hải đã có tổng cộng 44 cảng biển các loại. Đặc biệt, không gian xây dựng cảng biển thường ở những nơi có các hệ sinh thái nhạy cảm và rất giá trị. Điều đó dẫn tới các hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến sinh thái và môi trường tự nhiên, như làm mất các nơi sinh cư của động thực vật, gây ô nhiễm nước, không khí và đất xung quanh khu vực cảng.

Bên cạnh đó, do tốc độ phát triển nhanh chóng và việc gia tăng lượng khách du lịch, tăng cường hoạt động xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch; gia tăng nhu cầu sử dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên như các nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hồ nước,... đã gây tác động không nhỏ đến môi trường được thể hiện rõ nét nhất là vấn đề rác thải, nước thải, chất thải độc hại và vấn đề vệ sinh môi trường từ hoạt động du lịch...

Những nguyên nhân nêu trên đã và đang làm tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng trầm trọng, nguồn tài nguyên từ biển bị suy giảm đáng kể, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển từ mọi nguồn, để bảo vệ môi trường sống của chính con người trong hiện tại và tương lai.

V.H