Cảnh báo đuối nước mùa mưa lũ
Đặc biệt, tại các đập tràn, lượng nước chảy xiết khiến người dân đi lại khó khăn. Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng một phần do ý thức chủ quan của người dân khi đi qua những khu vực này dẫn đến bị nước cuốn trôi...
Liên tiếp xảy ra đuối nước
Trong vòng 3 ngày liên tiếp, Nghệ An đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm, làm 3 người tử vong...
Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 20-9, trên đường chở 2 con (8 tuổi và 10 tuổi) bằng xe máy điện từ trường học về nhà, đến cầu tràn Khe Cốc (xóm 4, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn), chị Phạm Thị T. (1986, trú thôn 8, xã Tường Sơn, Anh Sơn) cố băng qua dòng nước lũ nên bị cuốn trôi. Phát hiện sự việc, người dân gần đó ra ứng cứu. May mắn, hai cháu nhỏ kịp bám vào cây tre nên được cứu sống kịp thời, riêng chị T. bị dòng nước lũ cuốn trôi. Được biết thời điểm xảy ra vụ việc, trên địa bàn xã Hoa Sơn có mưa lớn, nước trên núi đổ về qua cầu tràn rất lớn. Nước ngập khoảng 30-40 cm, có thời điểm đến ngập hơn nửa mét.
Sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích. Đến 20 giờ 40 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị T. cách nơi gặp nạn khoảng 100m về phía hạ nguồn. Được biết, trước thời điểm xảy ra sự việc, chính quyền xã Hoa Sơn đã cắm biển cảnh báo cấm các phương tiện lưu thông qua.
Tiếp đó, khoảng 14 giờ ngày 21-9, em Nguyễn Thị Phương T. và Trịnh Thị Hà V. (cùng sinh năm 2011 ở xóm Đồng Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương), học sinh lớp 8B, Trường THCS Bạch Ngọc cùng 1 học sinh khác đi trên 2 xe đạp điện từ xã Lam Sơn đến xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Khi đi qua cầu tràn thuộc xóm 2, xã Lam Sơn, 1 nữ sinh dừng lại còn em T. và V. cố gắng băng qua thì bị ngã, nước lũ cuốn trôi. Một người dân đã kịp thời cứu được em Trịnh Thị Hà V., còn em Nguyễn Thị Phương T. thì bị dòng nước đẩy ra xa.
Ông Lê Khắc Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương cho biết, đoạn đường xảy ra sự việc bị nước ngập sâu đến đầu gối, còn khu vực nữ sinh bị nước cuốn trôi có điểm sâu 2-3m. Sau khi nhận được tin báo 2 học sinh bị nước cuốn trôi, chính quyền đã huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đô Lương cũng đã huy động 35 cán bộ, chiến sĩ cùng dân quân các xã Lam Sơn, Ngọc Sơn phối hợp với công an huyện, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm. Đến 19 giờ 30 cùng ngày, lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể em T… cách vị trí xảy ra sự việc khoảng 30m.
Cũng trong ngày 21-9 (khoảng 10 giờ 30), anh Lê Văn B. (2001, trú thôn 1, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương) đi qua cầu tràn thôn 4, 5 xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (đã lập rào chắn và cảnh báo) thì bị nước cuốn trôi. Sau khi tìm thấy thi thể, chính quyền địa phương đã làm thủ tục bàn giao cho gia đình làm các thủ tục mai táng và tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình.
Tuyệt đối không được chủ quan
Trước cơn bão số 3 và số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Nghệ An liên tục có công văn gửi các địa phương về việc tập trung triển khai công tác, ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong thiên tai. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó với bão số 4 và mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân.
Ngày 22-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh tiếp tục có công văn yêu cầu các địa phương tập trung triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 4 gây ra. Công văn nêu rõ, những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, hạ tầng cơ sở. Đặc biệt đã có 3 người bị chết (như đã nêu trên), trong đó có 1 cháu học sinh. Nguyên nhân đều do đi qua các ngầm, tràn qua đường có nước xảy xiết. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An đề nghị Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 4 gây ra… Bố trí lực lượng canh gác 24/24h để kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đồng thời, nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tránh thiệt hại đáng tiếc về người.
Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CHCN trên sông Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng với mưa lớn, lũ quét, ngập úng, nhất là khi di chuyển qua các đoạn đường ngập nước hoặc đập tràn đã cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không chủ quan bỏ mặc lệnh cấm. Ngoài ra, việc tham gia đánh bắt cá và các hoạt động tương tự cũng dẫn tới nhiều rủi ro do nước lũ chảy xiết, rất nguy hiểm, cần hết sức thận trọng. Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như, cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước…
Dương Hóa