Cảnh báo gia tăng tình trạng lừa đảo qua mạng
Thời gian gần đây, CAQ Hải Châu (Đà Nẵng) liên tiếp nhận được đơn trình báo của nhiều nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Trong quý I-2019, đã có 18 trường hợp trình báo nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng với số tiền bị chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Mặc dù phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo và báo chí tuyên truyền nhiều nhưng một số người do cả tin hoặc vì hám lợi nên dính bẫy lừa đảo mất số tiền lớn.
Mặc dù các ngân hàng đã lưu ý không được cung cấp mã OTP cho người khác nhưng nhiều người vẫn làm ngơ. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Theo CAQ Hải Châu, thủ đoạn được kẻ lừa đảo thực hiện nhiều trong thời gian gần đây là hack tài khoản Facebook, chiếm quyền sử dụng và giả mạo là chủ tài khoản rồi liên lạc với bạn bè theo danh sách để lừa đảo. Với phương thức này, trong quý I-2019, CAQ Hải Châu nhận được 8 đơn trình báo với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 270 triệu đồng. Ví dụ, ngày 4-1, ông Trần Dương Anh T. trình báo bị hack tài khoản facebook có tên “Lan Tran” lừa đảo số tiền 23 triệu đồng; ngày 2-2, bà Đặng Thị Hoài T. trình báo bị lừa đảo số tiền 15 triệu đồng từ yêu cầu của tài khoản facebook “Ho Hoang Uyen”; ông Phan Minh T. tố bị đối tượng hack facebook con trai ông để lừa đảo 31 triệu đồng vào ngày 15-3…
Đại úy Đào Thị Hoàng Giang- Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và môi trường (CSĐTTP về TTQLKT, CV&MT) CAQ Hải Châu, cho biết: Các đối tượng nhờ bạn bè của chủ tài khoản Facebook đã chiếm đoạt nạp card điện thoại hoặc mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền gửi từ nước ngoài về. Đối với thủ đoạn mượn tài khoản ngân hàng được thực hiện tinh vi, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin số tài khoản và số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet banking. Lúc này, nạn nhân nhận được tin nhắn có nội dung tài khoản ngân hàng được cộng thêm một số tiền kèm theo một đường link giả. Khi truy cập vào đường link trên, nạn nhân tiếp tục thực hiện thao tác nhập thông tin về tên ngân hàng, số tài khoản, họ tên chủ tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập dịch vụ Internet banking. Ngay lập tức, kẻ lừa đảo lấy thông tin để khởi tạo giao dịch chuyển tiền trên trang website của ngân hàng. Ngoài ra, khi nạn nhân nhận được mã OTP từ ngân hàng nhắn vào điện thoại và nhập vào đường link trên để hoàn tất giao dịch đã giúp đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản trong khi vẫn nghĩ rằng mình đang thực hiện giao dịch nhận tiền từ nước ngoài.
“Đối với phương thức này, người dân cần cảnh giác khi người thân, bạn bè nhắn tin nhờ nạp card điện thoại hoặc mượn tài khoản ngân hàng để giao dịch. Cần có biện pháp xác minh ngay, nếu không phải thì cảnh báo cho người khác biết là tài khoản này đã bị hack, hạn chế số người bị hại. Tốt nhất là tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình cho người khác”, Đại úy Giang phân tích.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và các mạng xã hội đã giúp việc giao lưu, kết bạn được dễ dàng, khoảng cách về địa lý cũng được rút ngắn. Lợi dụng điều này, các đối tượng là người nước ngoài sử dụng các mạng xã hội để làm quen, kết bạn để tìm “bạn gái”. Sau khi chiếm được lòng tin, các đối tượng “ga lăng” đề nghị tặng bị hại những món quà có giá trị từ nước ngoài gửi về Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng cũng câu kết với các đối tượng là người Việt Nam giả danh là cán bộ hải quan, công ty chuyển phát nhanh gọi điện báo lô hàng bị tạm giữ, muốn nhận hàng phải thanh toán khoản phí bằng hình thức chuyển khoản.
Theo đó, bà Võ Thị M. T (1988), trú P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu có quen một người đàn ông tên Richard qua mạng xã hội Skyper. Qua trao đổi, người đàn ông đó yêu cầu bà T. gửi địa chỉ nhà để gửi quà. Sau đó, bà T. nhận được thư điện tử của một người tên Steven Watson với nội dung hộp quà của ông Edward đã gửi đến sân bay Tân Sơn Nhất nhưng bị Hải quan Việt Nam chặn lại vì nghi không hợp pháp. Trong thư cũng yêu cầu bà T. chuyển số tiền 100.500.000 đồng đến số tài khoản 060166197xx của một người Việt Nam tên Huỳnh Thị Ngọc Diệp. Bà T. đã chuyển số tiền trên đến số tài khoản như đã yêu cầu nhưng mãi vẫn chưa thấy hộp quà, và bạn trai Richard cùng bạn Steven cũng “cao chạy xa bay”, không liên lạc được.
Một đối tượng nước ngoài nhắn tin làm quen thông qua Messenger để lừa đảo. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Ngoài ra, trong 18 vụ việc CAQ tiếp nhận, có 2 trường hợp bị lừa đảo của bà Nguyễn Nguyên T. số tiền 6,5 triệu đồng ngày 12-12-2018 và chị Nguyễn Thị Dung N. số tiền 101.700.000 đồng ngày 4-1 cùng phương thức tin nhắn trúng thưởng xe Honda SH qua hệ thống Messenger của Facebook. Do tâm lý hám tiền, tham lợi, các bị hại đã nạp card hoặc chuyển số tiền theo yêu cầu của kẻ lừa đảo với mong muốn nhận được quà, phần thưởng.
Thống kê năm 2018, CAQ Hải Châu đã tiếp nhận 57 vụ việc liên quan đến LĐCĐTSQM với số tiền bị chiếm đoạt cả tỷ đồng. Đối tượng kẻ lừa đảo hay hướng tới là phụ nữ đơn thân, lớn tuổi cần người để tâm sự, nói chuyện hoặc là sinh viên với tâm lý dễ tin người, ý thức cảnh giác với tội phạm thấp. Trong thực tế, việc điều tra, xác minh đối với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, việc thu hồi tài sản trả lại cho bị hại cũng không dễ dàng.
Theo Đại úy Đào Thị Hoàng Giang, để tránh bị lừa đảo qua mạng, người dân cần thận trọng trước các đường link, tin nhắn hứa hẹn sẽ giúp trở nên giàu có trong phút chốc. Không cung cấp các thông tin quan trọng liên quan tới xác thực nhân thân khi chơi game hay những dịch vụ tương tự và hạn chế đăng nhập tài khoản mạng xã hội ở máy tính công cộng. “Biện pháp hữu hiệu nhất chính là ý thức, tinh thần cảnh giác của mỗi người dân, tránh đưa những thông tin không cần thiết của cá nhân lên mạng xã hội và cần xác minh kỹ trước khi thực hiện giao dịch”, Đại úy Giang chia sẻ.
MAI VINH