Cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn từ việc sử dụng điện
Chỉ một sơ suất nhỏ trong sinh hoạt hoặc trong sản xuất cũng có thể gây ra sự cố, cháy nổ bắt nguồn từ những nguy cơ từ việc sử dụng điện. Từ đó, gây nên hậu quả khôn lường về tính mạng, tài sản gia đình và cộng đồng
Hiện trường sau vụ cháy tại cửa hàng Laptop ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh
Nhận biết nguy cơ
Mùa khô, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đồng thời cũng là thời điểm thường xảy ra các sự cố về điện, gây cháy nổ, làm thiệt hại về tài sản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng của người dân. Gần đây nhất là sáng ngày 12/4, tại địa bàn xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh đã xảy ra vụ cháy tại cửa hàng laptop. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đã vụ hỏa hoạn làm hư hỏng nhiều vật dụng trong nhà.
Theo PC Quảng Ngãi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sự cố cháy nổ khi sử dụng đện như: đấu nối dây dẫn, thiết bị điện không đúng kỹ thuật; cháy do chập điện; cháy do dùng điện quá tải…
Đặc biệt, thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên rất dễ xảy ra hiện tượng cháy nổ do quá tải. Đây là hiện tượng dòng điện của các phụ tải tiêu thụ lớn quá so với dòng điện định mức của dây dẫn, các thiết bị đóng cắt hoặc nguồn cấp. Do đó, để phòng ngừa sự cố thì khi lắp đặt phải chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với dòng điện của phụ tải. Khi sử dụng không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện có công suất lớn vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Người sử dụng điện phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của thiết bị tiêu thụ điện, kiểm tra vỏ bọc, cách điện dây dẫn, nếu có hiện tượng quá tải thì phải khắc phục ngay; Phải sử dụng cầu dao điện, áptômat, cầu chì, rơ le… làm thiết bị đóng cắt và bảo vệ.
Khuyến cáo của ngành chức năng
Để đảm bảo việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả trong mùa khô, theo ngành điện, người dân cần có hiểu biết và quản lý, sử dụng điện đúng cách và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu sự cố cháy nổ do điện. Trong đó, đối với hệ thống điện trong gia đình, cơ quan, đơn vị, do nhu cầu sử dụng công suất tăng cao trong mùa nắng nóng dẫn đến nguy cơ chạm chập do quá tải đường dây và thiết bị điện gây cháy nổ rất cao. Vì vậy, với các thiết bị bảo vệ như cầu dao, cầu chì phải sử dụng dây chì phù hợp với công suất sử dụng tối đa trong nhà, tuyệt đối không được dùng dây đồng, giấy bạc vv…; lựa chọn và thay thế áp tô mát có dòng điện định mức phù hợp với dòng điện sử dụng lớn nhất.
Khi lắp đặt thêm các thiết bị mới cần phải kiểm tra lại tiết diện của dây dẫn đảm bảo, tránh trường hợp dây cũ, tiết diện không đảm bảo sử dụng chung cho nhiều thiết bị có công suất lớn gây quá tải, phát nhiệt gây sự cố cháy nổ. Cắt cầu dao, aptomat ngay trước khi rời phòng làm việc.
Đối với các Ban quản lý chợ, các trung tâm mua sắm,… phải tổ chức kiểm tra hệ thống cấp điện, bố trí sắp xếp hàng hóa phù hợp, tránh nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại cho người và tài sản. Đối với các bậc phụ huynh học sinh và các tổ chức đoàn thể, trường học: tuyên truyền, giáo dục con em không thả diều gần đường dây điện gây phóng điện dẫn đến tai nạn đáng tiếc, gây sự cố mất điện trên diện rộng và làm hư hỏng thiết bị điện. Đối với các đơn vị tham gia thi công các công trình xây dựng, giao thông, san lấp mặt bằng, phương tiện cơ giới làm việc trong hành lang lưới điện phải đảm bảo khoảng cách an toàn phóng điện đối với đường dây trung thế, tránh va chạm vào đường dây hạ thế gây tai nạn và sự cố lưới điện. Phối hợp với đơn vị quản lý vận hành để được hướng dẫn, cung cấp thông tin và hỗ trợ thực hiện.