Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh báo thực trạng kinh doanh phế liệu trong khu dân cư (Kỳ 1: Hàng loạt cơ sở kinh doanh không bảo đảm điều kiện)

Thứ hai, 02/07/2018 18:00

Kinh doanh phế liệu (PL) là nghề tự phát có từ lâu. Đây là một nghề chính đáng, góp phần tiết kiệm, tận dụng PL phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng kinh doanh mặt hàng này chưa được quản lý chặt chẽ, có điểm kinh doanh nằm ngay trong các khu dân cư (KDC), gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ cao...

Một số điểm tập kết phế liệu tại đường Phạm Ngũ Lão.

Theo tìm hiểu của chúng tôi trên địa bàn Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) đang tồn tại 48 cơ sở kinh doanh PL, trong đó chỉ có 8 hộ được cấp phép hoạt động.  Để thuận lợi trong việc mua bán PL, 40 hộ còn lại đã sử dụng nhà ở của mình và thuê thêm kho, bãi để kinh doanh. Phần lớn các cơ sở này đều tập trung ở KDC, trong các kiệt, hẻm nhỏ... ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Một số cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bảo vệ môi trường (BVMT) như ở đường Phạm Ngũ Lão (P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu) có các hộ Đào Viết Dy, Hồ Võ Phương Duy và Thái Đình Thống. Các hộ này để hàng hóa tồn đọng nhiều ngày, dễ gây nguy cơ cháy, nổ, phát sinh dịch bệnh, mùi hôi thối ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt tại KDC...  Cũng ở Q. Hải Châu, còn có 8 cơ sở kinh doanh PL nằm trong KDC ở các kiệt, hẻm nhỏ, khi xảy ra cháy, nổ, xe chữa cháy rất khó tiếp cận: số K147/25 đường Lê Đình Lý, K140/10- đường Hoàng Diệu, K356/115/26 - Hoàng Diệu, Kiệt K431/3- Hoàng Diệu,  K51/4- đường Phạm Ngũ Lão, K51/5- Phạm Ngũ Lão, K126/9- đường Tiểu La, K53/H08/4- đường Hoàng Thúc Trâm nằm trên địa phận 3 phường Bình Thuận, Hòa Cường Bắc và Hải Châu 2...

Trên địa bàn Q. Thanh Khê có gần 70 cơ sở kinh doanh PL. Qua kiểm tra, hầu hết chủ các cơ sở này đều thiếu kiến thức và trang thiết bị về phòng chống cháy nổ. Ông Phan Quang Khường - Trưởng phòng TN-MT  Q. Thanh Khê cho biết, trong tháng 5-2018, UBND quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác PCCC và BVMT tại các cơ sở kinh doanh PL. Sau đợt kiểm tra, Phòng tham mưu cho UBND quận ra quyết định xử lý các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Theo đó, cơ sở nào đáp ứng được các quy định về PCCC và BVMT thì mới được cấp phép kinh doanh. Một số cơ sở không đáp ứng các điều kiện nói trên như nằm sâu trong KDC; đường hẻm, kiệt nhỏ xe chữa cháy không thể vào tiếp cận hiện trường nếu xảy ra cháy nổ sẽ dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn cao... thì buộc chấm dứt hoạt động, di dời ra khỏi KDC.  Bên cạnh đó, trên địa bàn quận còn 17 cơ sở kinh doanh PL nằm ở mặt tiền nhưng do thuê lại đất của chủ sở hữu khác nên chưa thực hiện được việc xây tường rào bao quanh để BVMT, giữ gìn cảnh quan đô thị và bảo đảm việc bao vây đám cháy khi có cháy xảy ra nhằm hạn chế gây thiệt hại cho các hộ dân. Hiện Phòng CS PCCC số 2 đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP về biện pháp xử lý những cơ sở này...

Tại Q. Cẩm Lệ cũng đang tồn tại hơn 30 cơ sở KDPL, trong đó một số cơ sở như hộ của ông Hưng - bà Phượng ở trên đường Phước Tường 1 thường xuyên chất phế liệu ra vỉa hè, chắn lối đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị; cơ sở của bà Ngô Thị Tỏ trên đường Lê Đại Hành, cơ sở tại Lô 06-07 Khu B2-02 và hộ ông Thảo tại số 70- Hoàng Dư Khương... là những nơi tập kết phế liệu số lượng lớn, ảnh hưởng đến PCCC và ô nhiễm môi trường KDC đã bị người dân kiến nghị nhiều lần.  Qua kiểm tra an toàn PCCC và BVMT tại các cơ sở này cho thấy, các mặt hàng kinh doanh phần lớn là vật liệu dễ cháy, đủ chủng loại như giấy, túi ni-lông, nhựa phế phẩm, các thiết bị điện đã qua sử dụng... Hàng hóa không sắp xếp gọn gàng, hệ thống dây dẫn điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt, không được luồn trong ống bảo vệ. Bên cạnh đó, nhận thức về kiến thức pháp luật PCCC của chủ cơ sở còn rất hạn chế; chưa trang bị đầy đủ phương tiện PCCC; nhiều cơ sở không xây tường ngăn cháy nên khi có cháy xảy ra sẽ không tự cứu chữa và dễ gây nguy cơ cháy lan, cháy lớn ra KDC...

Q. Liên Chiểu cũng là địa bàn tập trung khá đông các cơ sở kinh doanh PL với hơn 50 cơ sở.  Theo ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh PL phải chấp hành nghiêm quy định về PCCC và BVMT. Trong đó yêu cầu các hộ kinh doanh phải tuyệt đối chấp hành nghiêm 3 nội dung về đăng ký giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường; không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và thực hiện các nguyên tắc về PCCC... Với cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề, gây ô nhiễm môi trường sẽ tiến hành xử phạt vi phạm, định hướng chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp, thậm chí cưỡng chế chấm dứt hoạt động.

Có thể thấy rằng, mặc dù chính quyền cơ sở đã có những biện pháp để xử lý tình trạng kinh doanh PL tại địa bàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, trong đó phần nào có sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng. Bên cạnh đó nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở kinh doanh PL còn kém, cạnh tranh cao nhưng trang bị PCCC và BVMT cầm chừng, đối phó, thậm chí bỏ ngỏ.

(còn nữa)  

HIỀN MINH