Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh báo tình trạng lừa tiền người đi xuất khẩu lao động

Thứ tư, 08/03/2017 09:57

(Cadn.com.vn) - Người dân xã biển Hải Ninh, H. Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hầu hết làm nghề biển. Sau sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, sản lượng đánh bắt giảm và khó tiêu thụ nên nhiều ngư dân muốn đổi nghề bằng cách đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, nếu mất cảnh giác, đây sẽ là con đường tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong ngôi nhà trống không, những vật dụng có giá trị của gia đình đều đã bán lấy tiền đưa cho các đối tượng lừa đảo, bà Phạm Thị Cúc (xã Hải Ninh, H. Quảng Ninh, Quảng Bình) kể lại trong nước mắt: Một cò lao động tên Thống ở P. Quảng Thọ (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã móc nối với các đối tượng Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thành Trung (trú ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tìm về xã Hải Ninh. Lợi dụng tâm lý của người dân nóng lòng đi xuất khẩu lao động để kiếm việc làm và có thu nhập cao, các đối tượng đã quảng cáo là có thể đưa lao động đi nhiều nước, vẽ ra viễn cảnh thu nhập mỗi tháng từ 30 triệu đồng trở lên ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia... Nhiều người dân đã chọn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Không có tiền, gia đình bà Cúc phải thế chấp sổ đỏ để vay hơn 180 triệu đồng giao cho các đối tượng này. Đến ngày ra Hà Nội, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì biết mình bị lừa.

Ít nhất 6 gia đình ở xã Hải Ninh bị những đối tượng trên lừa đảo với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Họ đều là những người dân nghèo phải vay mượn tiền để hy vọng đổi đời. Chung cảnh ngộ với gia đình bà Cúc, vợ chồng bà Trương Thị Diệu phải đi làm thuê kiếm tiền trả lãi ngân hàng.

Theo các gia đình ở xã Hải Ninh, các đối tượng này còn lừa đảo nhiều nơi như xã Nhân Trạch, H. Bố Trạch hay ở H. Quảng Trạch. Số người bị lừa lên đến 20 - 30 người. Ông Lê Văn Khở, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh cho biết: Sau khi nắm bắt tình hình các đối tượng lừa đảo, Đảng ủy xã Hải Ninh đã thông báo rộng rãi đến người dân về chính sách xuất khẩu lao động, cảnh báo người dân để tránh bị lừa đảo, đồng thời xã sẽ làm cầu nối với các đơn vị của Nhà nước trong công tác đưa người đi làm việc nước ngoài khi người dân cần.

Ông Lê Mạnh Sơn, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề số 9 (Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình) nơi thường xuyên tuyển và đào tạo xuất khẩu lao động chỉ ra các kiểu lừa đảo thường gặp. Đó là lừa lấy tiền và chỉ người lao động đến địa chỉ giả; lừa lấy tiền rồi bỏ đi và lấy phí cao hơn mức bình thường mà người lao động không biết. Ông Sơn khuyên người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước trên địa bàn mình cư trú. Cán bộ tư vấn của các trung tâm phải hướng dẫn cẩn thận, chu đáo để bà con tin cậy và yên tâm.

Đ.T – M.T