Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Thứ sáu, 04/08/2023 07:36
Một nhóm thanh thiếu niên địa phương tham gia một vụ gây rối trên địa bàn bị Công an huyện Đơn Dương tạm giữ để điều tra.

Đáng chú ý, trong số các đối tượng tham gia có nhiều em là học sinh của một số trường THCS, THPT trên địa bàn huyện. Mặc dù Công an huyện Đơn Dương đã áp dụng các biện pháp đấu tranh mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật nhưng tình hình trên vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến ANTT ở địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an huyện Đơn Dương đã lập hồ sơ xử lý 6 vụ, với 119 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên về các hành vi: “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Đến nay, Công an huyện Đơn Dương đã khởi tố 5 vụ/37 bị can về các hành vi trên, số còn lại đang tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định.

Quá trình điều tra, Công an huyện Đơn Dương nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do nhận thức của thanh thiếu niên về các quy định pháp luật còn hạn chế, một phần do định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa đạt được hiệu quả.

Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu hụt các kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc…, khiến trẻ vị thành niên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Số trẻ em vi phạm pháp luật thường sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bố mẹ lo làm ăn ít quan tâm quản lý, giáo dục, có những trẻ có hoàn cảnh đáng thương (như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù; bố hoặc mẹ đã chết, các em phải sống với ông, bà, người thân hoặc sống lang thang... bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục), từ đó nhiều thanh thiếu niên phát triển theo chiều hướng lệch lạc và tạo nên hành vi nổi loạn, bất cần, hay bị lôi kéo bởi các đối tượng xấu…

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật còn có phần trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể là các đoàn thể, tổ chức giáo dục phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc định hướng lối sống, văn hóa, đạo đức cũng như nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên.

Trong thời gian tới, Công an huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc do thanh thiếu niên gây ra để tăng tính răn đe, giáo dục chung trong xã hội.

L.Đ