Báo Công An Đà Nẵng

Canh cánh nỗi niềm đồng đội

Thứ năm, 21/12/2017 10:54

Họ là những người lính quê Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhập ngũ đợt đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, lại có những khoảnh khắc bồi hồi sống trong những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn của năm tháng chiến tranh...  Như lời tâm sự của cựu binh Đặng Quang Mẫn (xã Hòa Tiến): "Mỗi người lính, khi ở trong mưa bom bão đạn, họ cảm thấy cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù, còn khi trở lại với cuộc sống đời thường, nghĩa tình đồng đội là điều cháy bỏng nhất trong trái tim. Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng không thể nói hết bằng lời".

Lính Hòa Vang nhập ngũ năm 1976 tham gia chiến trường Campuchia hội ngộ sau 40 năm.

Cuối năm 1976, cùng với 3 quận nội thành, vùng nông thôn Hòa Vang cũng tiễn đưa gần 1 ngàn thanh niên (có 50 nữ) của 19 xã trên địa bàn huyện lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong số họ vừa rời ghế nhà trường và trước khi đi mang theo lời dặn dò của người thân: "Cố gắng cho bằng anh, bằng em". Cho nên, ai dám chắc lúc đó họ không có chút phân tâm, thậm chí rơi nước mắt khi nghĩ tới gia đình, quê hương? Có những giây phút nhớ nhà là đương nhiên nhưng rồi cũng qua, điều quan trọng hơn là họ nhận thức được rằng, sự hy sinh nhỏ bé của mình cũng góp phần cho đất nước có thêm những mùa xuân đầm ấm. Cựu binh Nguyễn Tích (xã Hòa Nhơn) nhớ lại, đầu năm 1977, khu vực H. Quế Sơn (Quảng Nam) rét lạnh căm. Vậy mà, đơn vị huấn luyện tân binh của ông vẫn báo động triền miên. Thấm nhuần quân lệnh: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu", các chiến sĩ mới như ông liên tục được rèn luyện hành quân dã ngoại, mỗi lần như vậy cũng phải cuốc bộ hàng chục cây số đường đồi núi, sông suối đến bở hơi tai...

Với họ, khi được điều động làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam và đất bạn Campuchia với nhiều trận đánh đầy cam go, ác liệt như: cao điểm 61, vượt sông Mê Kông giải phóng Xiêm Riệp, Bát Tam Bang, Bông Lung. Sau khi giúp nhân dân bạn thoát khỏi họa diệt chủng, nhiều người trong số họ lại tiếp tục hành quân thần tốc tham gia các mặt trận biên giới phía Bắc, như Than Uyên (Hoàng Liên Sơn), Mai Pha (Lạng Sơn)... là một thời để nhớ. Dẫu rằng những năm tháng ấy, tài sản riêng tư của họ chỉ gói gọn trong chiếc ba lô con cóc, bữa cơm phải độn thêm khoai, mì, bệnh tật sốt rét cứ đeo đuổi triền miên, cái chết luôn rình rập nhưng những gian khó ấy đã gắn kết nghĩa tình những người lính đến từ mọi miền của Tổ quốc. Họ chia sẻ với nhau từng đũa rau rừng, từng mẩu thuốc lá, cùng đắp chung chăn trải qua cái giá lạnh nơi biên ải... Tất cả đã ghi vào ký ức của họ dấu ấn không thể nào quên về những cuộc chiến ác liệt và sự hy sinh dũng cảm, quên mình của đồng chí, đồng đội. Có rất nhiều điều để nói về một thời của lính. Song, cũng có một điều không thể phủ nhận là trong gian khổ, khó khăn, họ đã được tôi luyện và trưởng thành; tình đồng đội - đồng chí ngày càng thêm sâu sắc. Nguồn động lực đó đã giúp họ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ.

Hơn 40 năm sau, những người lính đó với tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân ngày nào, giờ cũng đã lên chức "ông, bà", nhưng trong tâm khảm của họ đều canh cánh nỗi niềm đồng đội. Ai cũng muốn tìm nhau để "sống thì thăm, chết thì viếng". Nhiều người đã đi gần tới chặng cuối cuộc đời. Trăm mảnh đời, trăm nẻo sống với bộn bề những lo toan. Thế nhưng, tình cảm đồng đội trong họ vẫn vẹn nguyên như xưa. Họ sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, động viên nhau vượt qua những khó khăn hiện tại. "Cứ mỗi dịp gặp mặt là chúng tôi ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa, những trận đánh làm cho kẻ thù khiếp sợ và bồi hồi xúc động mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã nằm xuống. Nhớ về nhau, chúng tôi tự dặn lòng tiếp tục sống xứng đáng với lòng tin yêu của đồng đội, xứng đáng với phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, cùng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước" - cựu binh Lê Văn Ký (xã Hòa Châu) chia sẻ.

VY HẬU