Báo Công An Đà Nẵng

Cánh cò trắng trong sương

Thứ năm, 14/01/2021 22:24

Lẫn trong làn sương sớm của những ngày cuối năm, là hình ảnh những chiếc nón lá cứ nhấp nhô, cùng đôi chân trần bì bõm dưới ruộng sâu, trong cái lạnh tê tái của thời tiết cuối năm.

Một nắng hai sương.

Khác với phố xá đông vui, cuối năm là khoảng thời gian người người đi sắm Tết. Nhiều siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu trưng bày từng câu đối, cùng các loại hoa quả nhiều màu sắc sặc sỡ. Trẻ em sung sướng vì sắp được nghỉ Tết. Còn ở quê tôi, không khí ngày mùa vẫn rộn ràng lắm. Từ sáng sớm lẫn trong làn sương mờ đục, mẹ tôi và các cô hàng xóm tất tả gánh mạ đi cấy, cho kịp vụ mùa. Cuộc sống ở thành thị và nông thôn như hai bức tranh đối lập.

Như một truyền thống từ bao đời nay, mỗi năm có hai vụ cấy. Vụ cấy mùa hè dưới thời tiết nóng như đổ lửa. Mùa đông trong cái lạnh tê tái nhưng các mẹ vẫn chịu khó ra đồng sớm. Lúc nhỏ tôi thường thắc mắc sao người lớn lại giỏi trong việc thức khuya dậy sớm đến vậy, mặc dầu không có chiếc chuông báo thức nào. Lớn lên tôi mới hiểu, đó là vì trách nhiệm, sự lo lắng cho cái ăn, cái mặc của đàn con nên dẫu chịu khổ bao nhiêu họ cũng sẵn sàng vượt qua.

Nhớ lại những ngày thơ ấu, khi từng cơn gió rít qua khe cửa, sương sớm vẫn giăng đầy trên ngọn cây, bãi cỏ... tôi thức dậy học bài, đã thấy mẹ chuẩn bị quang gánh, cùng các bó mạ được xếp ngay ngắn nằm trong rổ, và nắm xôi vò bọc trong lá chuối để theo mẹ ra đồng. Mẹ quấn mình trong chiếc áo mưa để chống chọi lại cái lạnh tê tái của mùa đông. Và trong bếp, lò than rực đỏ tỏa ấm như tình mẹ. Bên cạnh lò than ấy là ấm chè, nồi cơm nóng mà mẹ đã chuẩn bị từ rất sớm.

Đồng ruộng như chiếc áo đã sờn cũ màu bùn đất, nằm im ắng suốt những ngày mưa. Đến mùa gieo sạ, cánh đồng lại nhộn nhịp hẳn lên, khoác trên mình chiếc áo màu xanh non đẹp đẽ lạ thường. Điểm tô thêm sắc trắng của từng cánh cò đang bay lượn.

Hình ảnh in sâu vào tâm trí tôi nhất có lẽ đó là hình ảnh của những người phụ nữ quê đang lom khom cấy lúa, dưới trời mưa phùn và gió bấc. Ống quần được vén lên trên đầu gối gọn gàng, để lộ ra đôi chân trắng nõn nà. Phụ nữ thôn quê bao giờ cũng đẹp lạ lùng như vậy. Dẫu dầm mình dưới làn nước nóng của những buổi trưa tháng sáu, hay cái lạnh tái tê của những ngày cuối đông, họ vẫn đẹp, vẫn duyên dáng mặn mà. Và không biết có phải theo thói quen hay không, cứ đến mùa gieo sạ là từng đàn cò trắng ở đâu, lần lượt kéo về kiếm ăn trên cánh đồng lúa. Nhìn những thân cò gầy gầy sao mà thương đến thế.

Phải chăng thân cò tượng trưng cho hình ảnh người nông dân Việt Nam suốt ngày lam lũ, chịu thương chịu khó lao động?

Cánh đồng trước đó sũng nước, tiếng ếch, tiếng nhái kêu ra rả. Và đến ngày mùa, từng nhánh mạ non, được cấy xuống đất bùn thẳng hàng, ngay ngắn bởi những bàn tay điêu luyện. Hầu hết những phụ nữ trong làng tôi đều nghỉ học sớm, vì không có điều kiện để ăn học đến nơi đến chốn. Và sau khi rời bỏ sách vở họ lại gắn bó với cây lúa, đồng ruộng, nối nghiệp ông cha. Nên hầu hết các cô gái quê đều biết cấy lúa, và cấy rất đẹp.

Có đôi lần đi công tác xa nhà, ngang qua cánh đồng cuối năm, lấp ló trong làn sương sớm là những người bà, người mẹ đang lom khom cấy lúa. Một cảm giác thương yêu và nỗi nhớ về những người phụ nữ ở quê nhà, cứ trỗi dậy xao xuyến trong lòng tôi. Cánh đồng già lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng bước chân người, tiếng người cười nói. Cứ thế từng thế hệ này đến thế hệ khác, thay nhau gắn bó với nghề đồng ruộng.

Sau khi cấy xong thửa ruộng của mình, các chị em lại cấy giúp thửa bên cạnh. Điều đó vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm, vừa chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Và trong những buổi sớm cấy lúa, họ chia sẻ từng câu chuyện xung quanh cuộc sống thường nhật như nhân giống đàn lợn, dựng vợ gả chồng hay cho con cái ăn học. Những câu chuyện xung quanh làng quê nhỏ bé, gắn với mỗi phận người lam lũ. Và những câu chuyện đó không có trên mạng xã hội như bây giờ người ta vốn trao đổi, chia sẻ với nhau.

Hôm nào đi cấy cả ngày, mẹ tôi cùng các chị mang theo cơm nắm trong lá chuối cùng với muối mè, hoặc con cá rô đồng kho khô. Những bữa cơm vội gắn với mùa cấy như thế đó.

Theo thời gian vụ mùa, từng thân mạ lớn lên rồi thành những thân lúa chín nặng trĩu hạt, thấm thoắt đến mùa gặt, và tập tục cúng cơm gạo mới làng tôi vẫn còn. Đến mỗi bữa ăn, mẹ thường dặn chúng tôi có tính tiết kiệm, không được lãng phí những hạt cơm trắng. Để làm ra được hạt gạo là cả một quá trình bao gồm công sức và mồ hôi, nước mắt. Và hạt gạo được mẹ tôi ví như hạt ngọc trời.

Sáng sớm chạy xe ngang qua cánh đồng còn trũng nước, những dáng người lom khom cùng với nhũng chiếc nón lá nhấp nhô trong sương sớm, làm tôi cảm thấy thân thương hơn những phận người, phận đời gắn bó với mảnh ruộng, cây lúa.

Rồi những thân mạ non ấy sẽ bám đất, phát triển thành từng thân lúa chín nặng trĩu hạt, những thân lúa ấy là sự kết tinh của bao mồ hôi, sự vất vả của các bà, các mẹ. Tôi thương những mùa cấy quê. Thương những phận đời, phận người lam lũ một nắng hai sương như những thân cò lặng lẽ.

THÂN THỊ THANH TRÂM