Báo Công An Đà Nẵng

Cánh đồng dược liệu của cô gái Bahnar

Thứ sáu, 01/03/2019 19:00

Ngay dưới chân núi Pré (làng Pơ Nang, xã Tú An, TX An Khê, Gia Lai), cánh đồng dược liệu cà gai leo đang vươn lên mạnh mẽ. Điều đáng ngạc nhiên đó là dự án trồng dược liệu công nghệ cao được khởi nguồn từ ý tưởng của một cô gái người Bahnar Hồ Thị Viên. Từ những nguồn lực sẵn có, cô gái này đang mạnh dạn tìm hướng đi mới với những kế hoạch giúp bà con nơi đây thay đổi tư duy, vươn lên xua đi cái nghèo ở vùng đất này.

Hồ Thị Viên đang trồng cây cà gai leo trên cánh đồng làng Pơ Nang.

Dù dưới nắng gắt, Hồ Thị Viên cùng với những người dân Bahnar tất bật trồng những cây cà gai leo trên cánh đồng gần 2ha. Những luống bên cạnh, hàng nghìn cây cà gai leo đang bén rễ, trổ lá xanh mướt bởi vùng đất khô khát này đã được Viên cùng nhóm triển khai dự án đưa công nghệ tưới nhỏ giọt vào áp dụng. Dù tuổi đời chưa đến 30 song Viên đã có nhiều năm lăn lộn với ruộng đồng, bỏ công với dệt thổ cẩm và nhiều việc khác... Thế nhưng giấc mơ thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi và giúp dân làng chưa khi nào nguôi trong tâm trí của cô gái Bahnar này. Vì thế, dự án dược liệu công nghệ cao của cô khiến nhiều người bất ngờ và thú vị.

Trò chuyện với chúng tôi, Viên cho biết, sản xuất các loại cây truyền thống như mía, sắn gần đây gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất thấp nên bà con phải tìm hướng đi mới. Chưa kể, mảnh đất của gia đình Viên và nhiều dân làng thường khô hạn vào mùa khô khiến tìm được loại cây có giá trị kinh tế, ổn định đầu ra luôn xoay vần trong tâm trí cô. Trong câu chuyện của Viên là nỗi canh cánh về ngôi làng Pơ Nang của mình với 59 hộ nhiều năm nay dù cố gắng làm ăn nhưng vẫn chưa thực sự ấm no như mong đợi. Tìm kiếm thông tin từ các nguồn, kể cả Internet, sau nhiều thời gian tự nghiên cứu, Viên đã đi đến quyết định: "Em đã nghĩ đến việc phát triển kinh tế bằng cây cà gai leo-một loại dược liệu quý đang có nhu cầu tiêu thụ rất cao. Ngày trước, quanh làng Pơ Nang này có rất nhiều, bà con vẫn sử dụng cà gai leo như một loại thuốc quý. Không những phù hợp với vùng đất này, cây cà gai leo cũng là một loại cây chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt nên dễ chăm sóc. Dù biết là sẽ khó thuyết phục nhưng em  luôn mong muốn thấy được sự thay đổi của bà con từ chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con ở đây".

 Những cây cà gai leo đã dần bén rễ, trổ lá mở ra những hướng phát triển kinh tế cho bà con người Bahnar nơi đây. 

Để "thuyết trình" cho ý tưởng của mình, Viên đã kết nối nhiều nơi và tìm được doanh nghiệp uy tín để hợp tác cũng như tìm hiểu về vùng đất triển khai dự án. Cũng từ đó, ý tưởng về một cánh đồng dược liệu cà gai leo của Viên nhanh chóng được sự ủng hộ của dân làng và chính quyền địa phương với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế cho làng Pơ Nang. Từ cuối năm 2017, Viên lên ý tưởng, đến cuối năm 2018 dự án về cánh đồng dược liệu tại làng Pơ Nang được triển khai trên diện tích gần 2ha. 10 hộ gia đình khác đã cùng chung tay với Viên trong dự án. Dù  đang vào mùa khô hạn nhưng 80.000 cây giống cà gai leo đã và đang dần bén rễ, trổ lá trên cánh đồng. Để đảm bảo nguồn nước cho thời kỳ cây sinh trưởng, nhóm của Viên đã dẫn nước tưới về với công nghệ tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa ít công chăm sóc hơn. "Theo tính toán, 1kg cà gai leo sẽ được bán với giá 70.000 đồng, nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt từ 5-7 tấn/ha/năm. Trong khi đó, công đầu tư khoảng 15 triệu đồng/ha và sau 4 tháng trồng đã cho thu hoạch, so với các loại cây trồng truyền thống như bắp, mía, mỳ... mình vẫn lãi nhiều hơn", Viên cho biết.

Dự án của Viên cùng nhóm hộ làng Pơ Nang đã lọt vào top 20 trong số 128 dự án nông nghiệp trong cả nước để Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đề xuất Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong khuôn khổ định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An cho biết, hiện nay Ngân hàng Thế giới vẫn đang bình xét, khi lọt vào top 5, dự án sẽ được tài trợ. Nhưng dù có được tài trợ hay không thì dự án sẽ vẫn được quan tâm triển khai. "Trên cơ sở dự án trồng cà gai leo được trồng thí điểm tại làng Pơ Nang, sau khi hiệu quả được phát huy, chính quyền địa phương sẽ nhân rộng ra 3 làng khác để nâng cao hiệu quả sản xuất của cây dược liệu này", ông Cảnh cho biết thêm.

Từ dự án, Viên mong muốn bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Không chỉ đang xây dựng vùng nguyên liệu về dược liệu, Viên và nhóm còn ấp ủ dự định chế biến cà gai leo thành nhiều sản phẩm tinh chế mang thương hiệu làng Pơ Nang. Viên cho hay: "Cây cà gai leo của nhóm em là sản phẩm hữu cơ và hiện nhóm đang hợp tác với Hợp tác xã nông nghiệp Tú An ở thị xã An Khê để phát triển loại cây này. Lãnh đạo thị xã An Khê đã kết nối giúp với một doanh nghiệp phía bắc để họ hỗ trợ kỹ thuật chế biến, bao tiêu sản phẩm. Nếu thành công chúng em sẽ mở rộng diện tích loại cây này". Tuy chỉ trong giai đoạn đầu nhưng việc trồng đại trà cây cà gai leo đang mở ra một cơ hội mới cho cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây. Từ việc dám nghĩ, dám làm của cô gái người Bahnar Hồ Thị Viên không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây mà còn thay đổi cuộc sống tại vùng quê nghèo khó này.

MINH TÂN