Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới từ việc đặt tiền cọc
Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao, nhất là trên lĩnh vực ngân hàng có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi với nhiều thủ đoạn mới. Gần đây, nhiều nhân viên môi giới bất động sản trên địa bàn TP Đà Nẵng khuyến cáo cho nhau để cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới, các đối tượng xấu giả làm khách mua nhà đất để đặt cọc giả tạo qua tài khoản thanh toán trung gian nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chị A. khuyến cáo đồng nghiệp cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới từ tiền đặt cọc. |
Chị Nguyễn Thị Thùy T., nhân viên môi giới ở Sàn bất động sản N.H kể lại việc suýt bị sập bẫy lừa này. Sáng 10-4 (thứ bảy), có một ‘‘vị khách’’ đến Sàn bất động sản N.H hỏi mua 1 căn nhà ở khu Nam Hòa Xuân (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Người này cho chị T. biết cần mua gấp căn nhà và đứng tên giúp cho “người thân” ở Úc chừng 1 tháng nữa sẽ về nước định cư. Để tạo niềm tin, người này đề nghị chị T. dẫn đi xem thực tế một số căn nhà cần bán và chọn mua 1 căn 3 tầng ở vị trí gần sông, sau đó, đề nghị chị T. cho xem giấy tờ pháp lý của căn nhà này và cho biết giá bán cũng như phương thức thanh toán cụ thể thế nào.
Khi được chị T. báo chủ căn nhà trên ủy quyền cho chị bán với giá 5,5 tỷ đồng, đặt cọc trước 100 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi hai bên ra công chứng mua bán sau 15 ngày kể từ ngày đặt cọc. ‘‘vị khách’’ đó đồng ý mua và cho biết thanh toán tiền đặt cọc, tiền nhà bằng chuyển tiền trực tuyến, rồi xin số điện thoại chị T. để kết bạn zalo và số tài khoản của chị để chuyển tiền. Chừng 15 phút sau, ‘‘vị khách’’ kia cho biết ‘‘người thân’’ ở Úc đã chuyển tiền đặt cọc, đồng thời lúc đó, zalo của chị T. cũng nhận được thông báo với nội dung một tài khoản ở ngân hàng Sacombank đã nhận được số tiền 100 triệu đồng được quy đổi từ số tiền kiều hối hơn 5.600USD của một ngân hàng ở Úc gửi về. Để nhận được số tiền này, chị T. vào đường dẫn (link) kết nối vào trang web của một ngân hàng ở Úc và nhập mã giao dịch, nhập mật khẩu, mã OTP… từ tài khoản ngân hàng của chị.
Thấy việc nhận tiền cọc từ chuyển tiền trực tuyến rắc rối không như bình thường, chị T. thắc mắc thì ‘‘vị khách’’ này ‘‘giải thích’’ chuyển tiền trực tuyến quốc tế khác với chuyển tiền online trong nước. Chị T. đề nghị hai bên cùng ra ngân hàng Sacombank để rút tiền mặt và nhận tiền cọc thì ‘‘vị khách’’ này phân bua rằng thứ bảy, ngân hàng Sacombank nghỉ giao dịch nên không rút tiền mặt được. Nghi ngờ việc chuyển tiền và nhận tiền online này có vấn đề, chị T. không đồng ý truy cập vào đường link của một ngân hàng ở Úc để nhận tiền mà yêu cầu phải nhận được tiền mặt hoặc tài khoản của chị thông báo đã nhận được tiền cọc thì mới tiến hành giao dịch bán căn nhà. Thấy chị T. nhất quyết như vậy, ‘‘vị khách’’ đó liền bỏ đi.
1 tuần trước đó, chị Phạm Phương A., nhân viên môi giới ở Sàn bất động sản K.T cũng suýt bị sập bẫy lừa giống như chị T. Đối tượng lừa đảo đã giả làm khách đi tìm thuê 1 căn hộ ở Khu chung cư cao cấp Monarchy (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) và đứng tên thuê giúp cho ‘‘người nhà’’ ở Úc sắp về Đà Nẵng định cư. Đối tượng này cũng đề nghị chị A. dẫn đi xem thực tế căn hộ, cho xem giấy tờ pháp lý, số điện thoại để kết bạn zalo, số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền các kiểu. Đến khi đặt cọc thì đối tượng nói đã chuyển 20 triệu đồng tiền cọc, rồi gửi thông báo qua zalo báo cho chị A. rằng đã chuyển tiền từ Úc về qua một tài khoản ở Vietcombank và hướng dẫn chị truy cập vào đường link của một ngân hàng ở Úc để hoàn tất việc nhận tiền... Song do với kinh nghiệm 2 năm làm nhân viên thanh toán quốc tế ở ngân hàng nên chị A. biết được thông báo đã chuyển tiền gửi cho chị là thông báo giả mạo, trong đó, chi tiết dễ nhận biết nhất là mã riêng của ngân hàng chuyển tiền có tên tiếng Anh là ‘‘CODE SWIFT’’ bị viết sai chính tả thành ‘‘CODE SWITF’’.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng khẳng định: Nội dung các thông báo chuyển tiền quốc tế trực tuyến như trên là không đúng, có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo. Khi truy cập vào các đường link đó và thao tác nhận theo hướng dẫn của các nội dung thông báo này để nhận tiền cọc, người truy cập không những không nhận được tiền mà tiền trong tài khoản của người truy cập còn có nguy cơ bị ‘‘rút ruột’’, bị chiếm đoạt.
Giám đốc ngân hàng này khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị các kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội, không tiến hành các giao dịch chuyển tiền, nhận tiền khi chưa xác nhận chính xác thông tin của người nhận, người chuyển; không truy cập vào bất kỳ đường link nào không rõ nguồn gốc được gửi qua facebook messenger, zalo, v.v...; khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử (online) cần bảo mật thông tin về tên, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ, mã xác thực giao dịch OTP... Đặc biệt là không cung cấp các thông tin này cho bất kỳ đối tượng nào, kể cả nhân viên ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần làm việc với ngân hàng để ngăn chặn giao dịch và trình báo với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được giải quyết, xử lý.
PHÚ NAM