Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo nhắm vào các gia đình có con em đi nghĩa vụ

Thứ tư, 21/02/2024 08:15
Những tin nhắn đối tượng lừa đảo “hậu phương” chiến sĩ.

Theo đó, cuối năm 2023, chị L.T.K.V (trú H. Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhận cuộc gọi bằng messenger tài khoản của con trai chị đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại phía Bắc. Chị V. nhớ rõ cuộc gọi có hình ảnh, giọng nói chính là của con trai nhưng chỉ kéo dài 26 giây. Tuy nhiên, chị V. không hề biết tài khoản facebook của con trai trước đó đã bị đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng sau đó dùng công nghệ để thực hiện cuộc gọi video với hình ảnh, khuôn mặt giả mạo để lừa đảo. Dù thời gian ngắn, “con trai” chị đã kịp nói có chuyện gấp nhưng vì quy định không tiện gọi điện thoại nên yêu cầu chị V. nhắn tin. Bởi thấy hình con, giọng của con nên chị V. tin tưởng, không nghĩ bị lừa, với lại đề nghị của con cũng phù hợp nên chị V. không gọi điện lại, chỉ nhắn tin trao đổi với con.

Qua trao đổi bằng tin nhắn, chị V. vô cùng hoang mang khi “con trai” cho biết bất cẩn, sơ suất làm mất quân trang, vũ khí trang bị của đơn vị. Vấn đề này ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể nên xin tiền để khắc phục hậu quả. Trước một việc quá nghiêm trọng, chị V. nghe lời con dặn không dám thổ lộ với ai, kể cả người thân trong gia đình. Khi biết chị V. “sập bẫy”, đối tượng nhắn năn nỉ: “Mẹ chạy giúp con 6 triệu đồng con giải quyết cho qua chuyện với mẹ”. Khi chị V. chia sẻ đau ốm cả tuần, tiền bạc gia đình không có sẵn thì đối tượng lại hối thúc “Cấp trên gần xuống rồi mẹ à”.

Đọc tin con mà bấn loạn, chị cũng sợ con bị kỷ luật, tước quân tịch nên lặng lẽ giúp con, tìm cách chuyển tiền theo số tài khoản mà “con trai” cung cấp. Chị V. nhanh chóng đi vay, mượn người khác để kịp gửi. Chị V. vừa gửi tiền xong, đối tượng lừa đảo tiếp tục nhắn tin yêu cầu gửi tiếp. Đến khi nhận ra bị lừa, chị V. đã bị chiếm đoạt tổng cộng 41 triệu đồng.

Cơ quan chức năng nhấn mạnh nếu như trong trường hợp tại đơn vị, con em có vấn đề gì thì thông qua các cấp sẽ thông tin về Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, từ đó sẽ gửi văn bản hoặc gặp trực tiếp gia đình. Tuyệt đối không có cách giải quyết như thông tin lừa đảo trên.

Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi này, Công an các xã, phường, thị trấn không chỉ ở huyện Vĩnh Linh mà nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị cũng đã tập trung tuyên truyền, cảnh báo đến bà con nhân dân. Đặc biệt, là các gia đình có con em đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Công an đến “từng ngõ, gõ từng nhà”, phát tờ rơi cảnh báo các thủ đoạn lừa qua mạng. Dịp này, Công an cũng nhấn mạnh đến thủ đoạn đối tượng lừa đảo tạo lập facebook giả các trường hợp lao động, học tập xa nhà thay vì hack tài khoản. Sau đó giả mạo nhắn tin với người thân để chuyển tiền do ốm đau, tai nạn, hay nộp tiền học… Tất cả các vụ đều có điểm chung là các tin nhắn luôn là sự hối thúc và diễn ra trong thời gian ngắn.

BẢO HÀ