Cảnh giác thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học
Mặc dù trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc; đồng thời, các ngân hàng cũng có thông báo, hướng dẫn khách hàng thao tác xác thực sinh trắc khuôn mặt. Tuy nhiên, không ít người thực hiện không thành công nên lên mạng xã hội tham khảo, “cầu cứu” nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo giở chiêu trò để chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý là thủ đoạn của đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học cho khách hàng rồi đánh cắp thông tin người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, trong giai đoạn đầu triển khai, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ". Cụ thể, đối tượng lừa đảo liên hệ với khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Hoặc lập nick gây nhầm lẫn như “nhân viên ngân hàng”, “hỗ trợ khách hàng... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ ngân hàng của khách.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Các đối tượng còn đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại… Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, nhiều ngân hàng đã phát đi thông tin cảnh báo đối với khách hàng của mình. Theo đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số,... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng; tuyệt đối cảnh giác và không truy các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Theo thông tin từ một số ngân hàng, khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ có chính chủ mới thực hiện được, vì thế không thể hỗ trợ từ xa. Các ngân hàng cho biết thường không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học. Vì thế, người dùng cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi mạo danh này. Ví dụ, Ngân hàng Agribank không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học; Ngân hàng Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Vì vậy, khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.
Đồng thời, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ.
B.T.V