Cảnh giác trước “3 tấc lưỡi” của kẻ lừa đảo
Trước đó, Đào Duy Thạnh biết được người thân của chị Trần Thị M. (2000, trú P. Phú Thượng, TP Huế) bị cơ quan Công an bắt tạm giam về hành vi: “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Do không có tiền tiêu xài cá nhân, nên Thạnh đặt vấn đề với chị M. là có mối quan hệ với Công an, Viện kiểm sát... sẽ xin cho người thân chị M. ra trại sớm. Thạnh yêu cầu chị M. chuyển cho mình 80 triệu đồng. Tiếp đó, Thạnh tiếp tục yêu cầu chị M. chuyển thêm 30 triệu đồng nữa. Tất cả số tiền mà Thạnh nhận của chị M., đối tượng dùng để tiêu xài cá nhân. Sau một thời gian biết bị lừa đảo, nên chị M. đã trình báo Công an. Ngày 31-10-2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã xác minh, làm rõ và tiến hành các thủ tục bắt tạm giam đối với Thạnh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, nắm bắt được tâm lý của các cá nhân có người thân “dính” vào pháp luật các đối tượng đã nghĩ ra những “viễn cảnh trong mơ” để trục lợi. “Nổ” quen biết với ông này, bà nọ làm ở cơ quan này, cơ quan nọ có liên quan đến pháp luật chưa “đã”, các đối tượng chuyển sang đe dọa bằng việc giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.
Đầu tháng 9-2023, anh Đặng Văn Đ. (1983, trú P. An Hòa, TP Huế) nhận được cuộc điện thoại từ một người đàn ông trao đổi, có liên quan đến một vụ ma túy. Người này tự xưng là Công an và yêu cầu anh Đ. có bao nhiêu tiền thì chuyển sớm vào tài khoản của mình. Bối rối, anh Đ. được người đàn ông “công an” hướng dẫn các bước, cung cấp mật khẩu ngân hàng, mã OTP. Lúc anh Đ. thực hiện xong các thao tác thì mới biết, đã bị “công an” dỏm lừa 324 triệu đồng. Tương tự, một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn H. (1956), trú phường Phường Đúc, (TP Huế) bị một số người giả danh công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng.
Từ thực tế qua các vụ việc lừa đảo thời gian qua xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhất là ở TP Huế, các đối tượng đã nắm rất kỹ từng cá nhân, hộ gia đình ít nhiều bản thân, có người thân dính líu đến việc vi phạm pháp luật. Do vậy, khi các đối tượng “hở hơi” là các cá nhân, hộ gia đình có tâm lý lo sợ, dẫn đến dễ bị lừa đảo. Trên thực tế, cũng có không ít người làm ăn khuất tất nên có tâm lý lo sợ khi có ai đó gọi điện hoặc nhắn tin có dính líu đến pháp luật. Nắm được tâm lý này, các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng rồi “tung hỏa mù”, bày vẽ các đường đi nước bước nhằm tránh né pháp luật... và mục đích cuối cùng của đối tượng lừa đảo là chiếm đoạt tiền của bị hại.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, cơ quan Công an khuyến nghị, việc các cơ quan chức năng về pháp luật bắt tạm giữ, tạm giam, thi hành án được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật. Tuyệt đối không ai có thể can thiệp gọi điện, nhắn tin yêu cầu hoặc đe dọa, nên mọi người dân hết sức lưu ý, tránh các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời mỗi người dân cũng nên tuân thủ pháp luật trong cuộc sống thường ngày, trong việc làm ăn; đừng để dẫn đến những vi phạm pháp luật, hệ lụy không đáng có.
T.T.H