Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác với dịch vụ đáo hạn ngân hàng

Thứ năm, 04/10/2018 20:30

Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng có bài viết về những dấu hiệu phức tạp trong hoạt động cho vay lãi nặng tại TP Đà Nẵng, nhiều độc giả đã cung cấp cho tòa soạn nhiều thông tin liên quan đến một hoạt động tín dụng “ngầm” khác, đó là hình thức cho vay đáo hạn ngân hàng.

Khách hàng đang thực hiện giao dịch tại ngân hàng (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

TÍN DỤNG ĐEN NẤP BÓNG?

Bất cứ khoản vay thế chấp ngân hàng nào cũng có thời hạn để hoàn trả vốn vay cả gốc lẫn lãi. Khi tới thời hạn, người vay phải hoàn trả tất cả tiền gốc theo hợp đồng tín dụng (kỳ hạn vay, phân kỳ, số tiền gốc theo hợp đồng tín dụng), đó là thời điểm tất toán hay đáo hạn ngân hàng. Song, khi đến thời điểm nhưng một số người không có tiền để tất toán nên phải đi vay để đáo hạn ngân hàng. 

Đa số trong những người làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng là những cán bộ của ngành ngân hàng “làm thêm”. Theo nhiều người, để có thể hành nghề ngoài việc chuẩn bị “lưng vốn”, nếu không phải là cán bộ trong ngành thì phải có mối “quan hệ rộng” với những cán bộ lãnh đạo hoặc cán bộ tín dụng của các ngân hàng để có những thông tin “chuẩn” về tình trạng của khách hàng nhằm tránh những rủi ro xảy ra. Thông thường, khách hàng vay để đáo hạn thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn từ 5- 7 ngày, thậm chí ngay trong ngày nên khoản lãi thường rất cao. Cụ thể, mức lãi được giới cho vay áp dụng hiện nay tại TP Đà Nẵng từ 15-20%/tháng.

Đơn cử như trường hợp của anh Hùng (trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), đầu tháng 9-2018 là ngày tất toán cho khoản vay 1 tỷ đồng nhưng anh Hùng chẳng thể xoay xở vì vốn kinh doanh đang bị một số khách hàng chiếm dụng. Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu không thanh toán đúng hạn sẽ bị đưa vào nợ xấu, chịu mức lãi cao hơn và có khả năng phải “hầu tòa”... nên anh Hùng đành nhờ nhân viên ngân hàng “tư vấn” và được giới thiệu cho dịch vụ đáo hạn. Thủ tục vay tiền, giải chấp và vay lại được sự “giúp sức” của nhân viên tín dụng nên diễn ra khá chóng vánh, bù lại người vay phải chịu khoản lãi 0,6%/ngày “bốc nóng” (tương đương 18%/tháng).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài mối quan hệ mang tính “ngoại giao”, những người tham gia dịch vụ đáo hạn ngân hàng còn tự “trang bị” cho mình một số “đàn em” chuyên làm công việc thu hồi nợ khi xảy ra trường hợp khách hàng vay tiền chây ì, cố tình không thanh toán. Tương tự, tại các vùng quê, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi... cũng rộ lên dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng song có mức lãi thấp hơn đôi chút.

NHỮNG THỦ ĐOẠN “BẮT CHẸT”

Khi cho vay từ 1 tỷ đồng trở lên, người cho vay thường yêu cầu đối tác viết giấy bán nhà hoặc tài sản có giá trị tương ứng. Theo những người trong nghề làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng đây là cách để giảm rủi ro đối với người cho vay. Vì khi vay tiền thường xảy ra trường hợp người vay chậm hoặc trốn tránh nghĩa vụ thanh toán, người cho vay sử dụng hợp đồng mua bán nhà để khởi kiện ra tòa buộc thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc phải bán tài sản với giá rẻ. Tuy nhiên, theo chúng tôi đó là biện pháp phòng ngừa vì đa số những người vay tiền đều tuân thủ đúng “luật chơi”, số tiền vay sau thường lớn hơn lần trước để đủ trả khoản nợ cũ và trả tiền lãi cho khoản “bốc nóng”.

Nhưng cũng có trường hợp người vay không có khả năng thanh toán khoản lãi “cắt cổ” sẽ bị chủ nợ cho xã hội đen dùng các thủ đoạn hù dọa, như: ném mắm tôm, dầu luyn... vào nhà. Tuy nhiên, một thủ đoạn thâm hiểm nhất là việc dụ dỗ người vay tiền lập hợp đồng ủy quyền cho những kẻ cho vay đáo hạn đứng tên vay giúp. Anh Nguyễn Thanh (trú P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ), cho biết: Năm 2017, do làm ăn thua lỗ, không thanh toán đúng hạn cho các khoản vay nên bị vào danh sách nợ xấu. Trong tình cảnh đó, anh nghe lời bà C. (trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) đến văn phòng công chứng lập hợp ủy quyền thay anh Thanh thế chấp ngôi nhà trên đường Nguyễn Hữu Tiến để vay tiền. Không ngờ, khi giao sổ đỏ cùng giấy ủy quyền, bà C. vay hơn 2 tỷ đồng nhưng chỉ giúp đảo nợ số tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng. Số tiền còn lại, bà C. sử dụng vào mục đích gì không ai được biết. Hàng tháng anh đều đưa tiền cho bà C. trả tiền lãi và một phần tiền gốc. Thế nhưng đến thời điểm tất toán, anh Hùng mới tá hỏa khi biết số tiền được vay cũng như tiền trả hàng tháng đều bị bà C. chiếm dụng và ngân hàng đang làm thủ tục khởi kiện, bán phát mãi ngôi nhà của anh để thu hồi nợ.

Không riêng gì anh Thanh mà nhiều người ở Cẩm Lệ lâm vào cảnh mất nhà khi lập hợp đồng ủy quyền cho bà C. nhờ đáo hạn ngân hàng. Nhiều người cho biết, dù biết bị “bắt chẹt” với khoản lãi suất cắt cổ nhưng đành cam chịu vì chẳng còn đường để xoay xở. Theo tìm hiểu, hiện tại ở TP Đà Nẵng có hàng trăm địa chỉ làm dịch vụ cho vay đáo hạn, có trường hợp mở hẳn trang web giới thiệu địa chỉ... kiêm thêm các dịch vụ khác, như: cho vay, cầm đồ... và khi khách đến giao dịch đều chịu mức lãi suất cao hơn nhiều so với quy định của ngành Ngân hàng.   

Theo chúng tôi, khi nhu cầu vay vốn của khách hàng càng nhiều thì cơ hội làm ăn của loại hình dịch vụ cho vay đáo hạn càng lớn. Tuy nhiên những người khi vay tiền của dịch vụ này cần phải tỉnh táo để tránh sập bẫy tín dụng đen và Nhà nước cần có những chế tài để chấn chỉnh hoạt động cho vay khi chưa được công nhận này.

M.T