Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác với "giặc lửa"

Thứ hai, 21/05/2018 11:00

Đang giữa mùa khô, thời tiết nắng nóng, đây cũng là cao điểm mùa khai thác rừng sản xuất trên địa bàn vùng miền núi, trung du của H. Hòa Vang (Đà Nẵng). Cùng với đó, hàng trăm lao động từ nơi khác đến làm thuê cho các chủ rừng, mọi sinh hoạt ăn ở của họ đều diễn ra tại chỗ nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Vì vậy, nhiều ngày qua, các ngành chức năng của huyện liên tục phát bản tin dự báo cháy rừng trong khu vực đang ở mức báo động cao (cấp 3), yêu cầu các xã có rừng chủ động tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm tra giám sát 24/24 giờ và nghiêm cấm các chủ rừng, hộ dân địa phương xử lý đốt thực bì sau khai thác nhằm đảm bảo an toàn cho những cánh rừng.

CAX Hòa Phú (H. Hòa Vang) đến tận nơi nhắc nhở các lao động mưu sinh ở rừng đề phòng "giặc lửa".

Ngày 17-5, chúng tôi ngược lên miền núi Hòa Phú dưới cái nắng nóng hầm hập. Dọc tuyến QL14G từ trung tâm xã lên vùng giáp ranh Dốc Kiền (xã Ba, H. Đông Giang, Quảng Nam) dài hơn 15km, hoặc rẽ đường nhánh qua khu vực Bà Nà - Núi Chúa (xã Hòa Ninh), phóng tầm mắt nhìn những khu rừng keo xanh mướt trước đây, bây giờ đa phần là những bãi thực bì khô héo, nham nhở xen lẫn trong những vạt cây trơ trụi lá, các công đoạn xử lý đốt thực bì của chủ rừng đều phải hoãn lại. Tuy nhiên, cũng không thể phòng ngừa hết được việc người dân vào rừng chặt củi, bứt mây, rà sắt phế liệu, đốt ong. Ngoài vô số mồ mả, miếu thờ nằm sát các bìa rừng thì ở Hòa Phú còn có nhiều điểm du lịch tự phát lý tưởng để người dân miền xuôi "lên rừng trốn nóng", tình trạng từng nhóm bạn trẻ rủ nhau vào rừng vui chơi, nhóm bếp nấu ăn tại chỗ... Tất cả điều đó, cùng với sự thiếu ý thức của con người trong việc tùy tiện sử dụng lửa thì hiểm họa cháy rừng sẽ có nguy cơ xảy ra.

Được biết, Hòa Phú là một trong hai địa phương có diện tích rừng lớn nhất trên địa bàn huyện với hơn 7.520ha rừng các loại, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 3.477ha, rừng trồng là 2.510ha. Ngoài lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại chỗ ở 10/10 thôn, chính quyền địa phương còn thành lập 4 tổ cơ động với trang thiết bị gồm 1 máy bơm nước loại lớn, 4 máy thổi gió, 5 máy cưa xăng cầm tay, hàng chục rựa phát... Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, hằng năm chịu ảnh hưởng thời tiết hanh khô kéo dài, rất khó khăn trong việc quản lý, phát triển rừng. Cho nên, một phương án bảo vệ rừng có tính khả thi, hợp lý và hiệu quả của chính quyền địa phương chính là biết lợi dụng nhiều yếu tố, kết hợp với nhiều bên tham gia, phương thức hoạt động đa dạng, chủ động, phù hợp với hoàn cảnh từng vùng, từng khu vực. Muốn vậy, phải xác định được các vùng trọng điểm, các điểm nóng về cháy rừng để có phương án cụ thể, đầu tư xây dựng sao cho phù hợp với chiến lược thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân cho biết: "Mặc dù tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào nhưng chúng tôi vẫn lo lắm bởi hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Nhiều khu rừng nguyên sinh chuyển lá úa vàng vì nắng nóng kéo dài. Các khu rừng trồng dù còn xanh tốt nhưng vẫn ở mức đe dọa cao vì trời không mưa. Từ nay đến tháng 9 là đỉnh điểm của nắng nóng, do đó toàn bộ rừng trên địa bàn xã luôn ở mức báo động cao. Cho nên, việc cảnh giác với "giặc lửa" hiện nay là điều cấp bách"... Muốn vậy, cần phải gắn trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn với các ban ngành, đoàn thể và đề cao trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ rừng; tăng cường sự phối hợp có hệ thống, có kế hoạch với các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát các hành vi xâm hại rừng.

Làm gì để rừng không bị cháy? Đó là câu hỏi luôn đặt ra cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng trên địa bàn H. Hòa Vang. Ngoài việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", đến nay, các địa phương, chủ rừng và người dân sống gần rừng đều đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó PCCCR. Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng, kịp thời phát hiện các sự cố để bảo vệ hiệu quả rừng, giảm đi nỗi lo cháy rừng trong thời gian chờ đợi những cơn mưa dông đầu mùa giải hạn.

VY HẬU