Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác với nạn lừa đảo qua điện thoại

Thứ tư, 01/02/2012 00:00

Từ cho số đánh lô đề...

(Cadn.com.vn) - Trung tá Đặng Ngọc Việt - Đội trưởng Đội Phòng chống TNXH (Phòng CSĐTTPVTTXH, CATP Đà Nẵng) nhớ lại, năm 2010 đơn vị tiếp nhận thông tin trình báo của một nữ chủ quán cà-phê tên X. (xin được giấu tên) tại Đà Nẵng về việc có một nam thanh niên giọng miền Nam gọi điện thoại di động đến nhà riêng nhận là người quen và gạ cho số đánh lô đề. Qua điện thoại, người này tiết lộ “có quen biết với nhiều lãnh đạo Cty xổ số kiến thiết Đà Nẵng, cho số trúng để đánh lô đề ăn chia”. Thực ra chủ quán cà-phê không thích cờ bạc nhưng nghe giọng nói ngọt như mía lùi và cam kết nếu không có tiền thì sẽ cho người mang tới 100 triệu đồng để đánh nên đâm ra phân vân. Đến sát giờ xổ số, chị X. nhận điện thoại gọi đến thông báo là xe chuyển tiền tới cho chị đánh đề bị hỏng giữa đường, nếu tin thì cứ đánh thử một vài trăm nghìn, trúng thì chia đôi, sau đó sẽ cho số khác. Nhờ cảnh giác nên chị X. không tham gia chơi và ngày hôm sau, con số “người quen” cho không có trong lô đề, chị X. điện thoại lại thì đầu dây bên kia khóa máy.

Theo lãnh đạo Phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng, thủ đoạn cho số đánh lô để lừa đảo là không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy. Phương thức chung là kẻ gian tìm mua các quyển danh bạ điện thoại cố định của các tỉnh hoặc tìm kiếm trên website tra cứu danh bạ cố định tìm người để lừa. Sau khi có số điện thoại cố định, các đối tượng gọi điện để hỏi thăm và giả danh nhân viên Cty xổ số kiến thiết cho số đánh lô đề và hứa sẽ cho người mang tiền đến đánh, nhưng gần đến giờ quay số thì lấy lý do đột xuất không mang tiền đến được, đề nghị người nghe điện thoại bỏ tiền ra đánh. Một ngày bọn chúng thường gọi điện đến rất nhiều người và cho nhiều con số khác nhau. Nếu hôm đầu tiên mà trúng thì chúng điện thoại lại ngay để hỏi đánh bao nhiêu tiền, trúng bao nhiêu và đề nghị chia đôi số tiền trúng thưởng để ngày mai cho số tiếp. Do tin thật nên người bị hại chuyển tiền cho chúng. Còn những người đánh không trúng thì khi điện thoại lại chúng không nghe máy hoặc bỏ sim đó đi, không liên lạc nữa. Đặc biệt, những người đã trúng được 2 lần thì tin tưởng và đến lần thứ 3 chúng yêu cầu chuyển rất nhiều tiền cho chúng. Do tính xác suất trong đánh lô đề là 25%, nghĩa là nếu chúng cho 100 người đánh 100 số từ 00 đến 99 thì sẽ có 25 người trúng thưởng. Như vậy, nếu người đã nghe điện thoại trong số 25 người được cho số trúng sẽ rất tin tưởng và ngày hôm sau nhất định sẽ gọi điện để xin số và chúng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản thẻ ATM. Có nhiều bị hại mặc dù ngày đầu chúng cho số nhưng không đánh, đến khi có kết quả thấy số đó trúng thưởng đã liên lạc lại với đối tượng và chuyển cho chúng rất nhiều tiền để đánh.

 CATP Đà Nẵng bắt quả tang một tụ điểm chuyên ghi đề.

...Đến thông báo trúng thưởng

Theo thượng tá Nguyễn Hữu Lài - Phó trưởng Phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng, ngoài cho số đánh lô đề, kẻ gian còn thường xuyên gọi điện đến các số máy cố định bất kỳ trên địa bàn các tỉnh, thành phố, tự giới thiệu là nhân viên của Kho bạc Nhà nước, đồng thời giả mạo thông báo về việc số điện thoại bàn đã trúng thưởng trong chương trình rút thăm, quay số trúng thưởng của VNPT kết hợp với Kho bạc hoặc các hình thức trúng thưởng khác. Khi người nghe máy tin là trúng thưởng thì chúng hướng dẫn  nộp 10% giá trị giải thưởng gọi là tiền thuế thu nhập vào số tài khoản thẻ  ATM của chúng, sau đó mang giấy nộp tiền đến Kho bạc tỉnh để nhận hồ sơ và lĩnh tiền. Do người bị hại tin là trúng thật nên đã nộp tiền vào tài khoản của chúng và bị chiếm đoạt. Đầu tháng 1-2012, Cục CSHS (thuộc Tổng cục CSPCTP, Bộ CA) có thông báo gửi đến CA các tỉnh, thành phố trong cả nước nêu rõ phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này. Được biết, thời gian qua, Cục CSHS đã xác lập chuyên án đấu tranh, xác định có 40 tài khoản thẻ ngân hàng được các đối tượng sử dụng trong quá trình lừa đảo và đã có 461 người chuyển tiền vào với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. 

Theo nhận định của Cục CSHS Bộ CA, hiện nay tình trạng lừa đảo với 2 cách thức nêu trên được hạn chế nhưng lại bắt đầu xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới với các cách thức khác như  giả mạo cán bộ ngân hàng thông báo trúng thưởng xe máy đề nghị gửi tiền để nộp thuế trước bạ đăng ký, gửi tiền từ thiện từ nước ngoài về với số tiền lớn đề nghị nhà chùa nộp tiền để làm thủ tục nhận và đưa vào quỹ từ thiện... Điểm mấu chốt để nhận biết các hình thức lừa đảo là người bị hại chuyển tiền với lý do nộp thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân... nhưng lại nộp vào tài khoản thẻ ATM của cá nhân. Hầu hết tài khoản thẻ kẻ gian sử dụng để hoạt động lừa đảo được mở từ CMND của người khác, thậm chí là những người đã chết... mà người mở tài khoản và đối tượng sử dụng không quen biết nhau. Do vậy, khi các bị hại đến trình báo thì chỉ xác định được người đứng tên mở thẻ chứ không làm rõ được đối tượng gây án. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian dài mà không bị phát hiện.

Bài, ảnh: Đăng Vinh