Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác với những “tín đồ” láo liên nơi cửa Phật

Thứ sáu, 04/01/2019 19:00

Cuối năm 2018, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp tài sản trong các cơ sở tôn giáo, thờ tự, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản của các địa điểm này, một nhóm đối tượng thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp tài sản giá trị lớn.

Hai đối tượng Nam và Linh và bộ lư đồng tang vật trộm cắp tại một ngôi chùa.

Một đêm cuối tháng 11-2018, chùa Tịnh Nghiêm (tại TP Quảng Ngãi) tá hỏa khi phát hiện kẻ gian đột nhập lấy toàn bộ số tiền trong 3 hòm công đức để ở chánh điện. Sư cô Thông Nhã- chùa Tịnh Nghiêm, cho biết: "Sáng sớm khi các sư cô lên tụng kinh đã thấy cửa mở, kẻ trộm lục tung chánh điện để tìm tài sản. Các hòm công đức bị kẻ trộm đập phá lấy toàn bộ tiền". Cũng theo một sư cô trong chùa cho biết, mấy hôm trước khi xảy ra vụ mất trộm, có một người lạ vào chùa hỏi thăm nhiều việc, cứ nghĩ đạo hữu đến lễ Phật nên các sư cô không để ý những cử chỉ lạ của họ. Cùng thời gian này trên địa bàn Quảng Ngãi, hàng loạt ngôi chùa, cơ sở thờ tự bị trộm đột nhập lấy đi tài sản giá trị. Thủ phạm thường giả danh phật tử vào cúng chùa. Sau đó, quan sát thùng công đức, hiện vật, đồ cổ rồi hỏi thăm những người trong chùa để rõ “đường đi nước bước” chờ cơ hội để trộm cắp.

Trước tình hình trên, CATP Quảng Ngãi lập chuyên án điều tra truy xét. Qua công tác nghiệp vụ, cơ quan CA đã điều tra và làm rõ thủ phạm là Hoàng Đức Linh (35 tuổi, trú H. Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Nguyễn Tiến Nam (26 tuổi, trú TP Hà Nội). Qua đấu tranh, nhóm đối tượng khai nhận đã thực hiện 45 vụ trộm tài sản trong chùa và nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra đối tượng Linh khai nhận gây hàng chục vụ trộm khác ở các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... Tài sản trộm gồm tiền phúng điếu, lư đồng, chuông đồng và tài sản có giá trị khác trong chùa và nhà dân.

Đối tượng Hoàng Đức Linh khai nhận, ban ngày các đối tượng giả tín đồ vào viếng chùa và dùng điện thoại chụp hình vị trí các thùng công đức, hiện vật, đồ cổ rồi hỏi thăm những người trong chùa để nắm rõ tình hình. Sau đó đối tượng dùng zalo gửi hình cho nhau để biết thực hiện hành vi trộm và trung bình một đêm gây 5 vụ trộm. Cũng theo lời khai của Linh, do biết các chùa đều đặt thùng công đức và thường xuyên được đạo hữu, phật tử viếng chùa, lễ Phật cúng dường nên có nhiều tiền. Có nhiều chùa cả năm mới mở hòm công đức nên nhiều phi vụ "trúng đậm" cả trăm triệu đồng. Đặc biệt là từ cận Tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng, khách thập phương đến viếng chùa ngày càng đông thì các thùng công đức sẽ có nhiều tiền hơn nên chúng chọn thời điểm này để “đánh quả”.

Theo Đại úy Võ Thành Phương- Đội phó Cảnh sát hình sự CATP Quảng Ngãi, cho biết: Các đối tượng sống lang thang và là dân trộm chuyên nghiệp nên việc truy bắt đối tượng gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài ra các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện truy bắt. Nơi bọn trộm để mắt đến là những địa điểm ít người qua lại, không lắp đặt camera an ninh và hệ thống chống trộm. Sau khi đột nhập, bọn trộm tìm đến vị trí đặt các thùng công đức, nơi để các vật dụng thờ cúng có giá trị và hốt gọn.

“Ngoài điều kiện bảo vệ hạn chế, khi xảy ra các vụ trộm cắp tại chùa, nơi thờ tự, người dân rất ít báo cho Công an địa phương do tâm lý ngại việc Công an đến xem xét. Khi biết tin, lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra thì dấu vết không còn, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tìm thủ phạm", Đại úy Võ Thành Phương thông tin.

Trước thực trạng trên, CATP Quảng Ngãi đề nghị các cơ sở thờ tự, tôn giáo cần gia cố cửa khóa thật chắc chắn, khi phát hiện đối tượng khả nghi kịp thời báo cho công an địa phương kiểm tra, xử lý. Việc chủ động ngăn ngừa tội phạm trong các cơ sở thờ tự, không chỉ để bảo vệ an toàn tài sản mà còn đảm bảo sự tôn nghiêm tại các địa điểm sinh hoạt tôn giáo.

T. SỰ