Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo sang Campuchia để lao động bất hợp pháp
Thủ đoạn lừa người lao động sang Campuchia làm việc trên tuy không mới nhưng các đối tượng tội phạm vẫn triệt để lợi dụng vì nhu cầu tìm việc làm ngày càng cao, đánh vào tâm lý muốn “việc nhẹ, lương cao” của một bộ phận thanh niên hiện nay. Đáng nói, nhiều người lao động đã bị các đối tượng người nước ngoài kết hợp với người Việt Nam đưa vào làm việc trong các công ty trá hình tại Campuchia để hoạt động lừa đảo người Việt Nam, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trực tuyến.
Cuối năm 2024, Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận 3 công dân ở địa phương sang Campuchia làm việc bất hợp pháp bị cảnh sát Campuchia bắt, bàn giao cho cơ quan chức năng Việt Nam tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Qua làm việc, cả 3 công dân trên cho hay, do chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định nên thông qua các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm việc làm. Đa phần đều bị hấp dẫn bởi các tin tuyển lao động với mức lương cao, không yêu cầu kinh nghiệm, không cần bằng cấp; cam kết cung cấp đầy đủ tiện nghi, chỗ ở...
Thế nhưng sau khi qua Campuchia, thấy công việc không đúng như đã quảng cáo thì các nạn nhân mới biết mình bị lừa sang để lao động bất hợp pháp, tại đây, các đối tượng người Trung Quốc cho các nạn nhân ký hợp đồng làm việc từ 6 đến 12 tháng với mức lương 500 USD/tháng và được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo của các “con mồi”.
Các đối tượng người Trung Quốc bố trí cho các nạn nhân ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà; đào tạo bằng cách cho nhân viên mới ngồi sau các nhân viên thạo việc để học cách làm. Các nhân viên mới được cung cấp các tài liệu, kịch bản, lời thoại lừa đảo để đọc, học thuộc. Sau đó, đối tượng người Trung Quốc chia nhân viên theo các tổ, nhóm để dễ quản lý và hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người thông qua các hình thức như: đầu tư vào các sản phẩm, quỹ đầu tư sinh lời (do các đối tượng làm giả) hoặc lập tài khoản trên trang đặt cược đánh bạc online để được hưởng hoa hồng…
Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, đặt mức khoán doanh thu 200 triệu đồng/tháng và lôi kéo người chơi, người đầu tư nếu không đạt được sẽ phạt trừ lương, tăng giờ làm, đánh đập, chích điện, bị bán sang các công ty khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc với số tiền từ 2.000 đến 3.000 USD mới cho về nước.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, đối với những người xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi: “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù giam. Đối với những người môi giới, rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người khác sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam.
Do đó, để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thì người dân cũng cần phải cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi làm “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại, bao ăn ở… của các đối tượng trên mạng xã hội. Khi xác định nhận lời đi làm cần tìm hiểu kỹ về cơ sở nơi làm việc, thông tin người giới thiệu, việc đi lại và các vấn đề pháp lý khác, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, ghi nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.
Đặc biệt, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
L.Đ