Cảnh sát khu vực "chăm" bắt tội phạm bị truy nã
Thượng úy Trần Huy Phương khiêm tốn nghĩ rằng, mình là người có duyên với công tác bắt, vận động đối tượng truy nã. Thế nhưng chúng tôi biết, cái duyên đó không tự dưng mà có, đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghiên cứu từng đối tượng truy nã để có cách tiếp cận, truy bắt một cách hiệu quả nhất. Thượng úy Trần Huy Phương chia sẻ: "Để vận động, bắt được một đối tượng truy nã phải nắm bắt được mối quan hệ của đối tượng, tâm lý của đối tượng. Đối tượng có trốn đi đâu, bao lâu thì cũng sẽ có mối quan hệ với người thân, gia đình và sẽ liên lạc với họ. Chính vì thế khi tiếp cận hồ sơ một đối tượng truy nã, bản thân tôi chú trọng tìm hiểu người nào được đối tượng giữ liên lạc để tìm cách tiếp cận, vận động cũng như tìm hiểu thông tin mới nhất về đối tượng".
Ngoài nghiên cứu nghiệp vụ công tác chuyên môn của Cảnh sát khu vực, Thượng úy Phương thường xuyên về địa bàn nắm bắt tình hình an ninh, trật tự, đặc biệt là nắm bắt thông tin từ người dân về các đối tượng có trong hồ sơ truy nã. Từ những thông tin thu thập được từ cơ sở, điều nghiên các đối tượng truy nã về thân nhân, lai lịch, quan hệ xã hội, Thượng úy Phương đã xây dựng kế hoạch và báo cáo chỉ huy để tiến hành vận động, truy bắt. Được sự hỗ trợ của đồng đội, khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, Thượng úy Phương tìm cách tiếp cận đối tượng truy nã thông qua gia đình, người thân của đối tượng cũng như chính các đối tượng để vận động nếu đối tượng hợp tác và truy bắt đối với các đối tượng ngoan cố. Bằng cách làm đó, trong 14 năm công tác tại Công an huyện Thăng Bình, Thượng úy Phương đã vận động, truy bắt 14 đối tượng truy nã; đặc biệt chỉ trong thời gian 2 năm công tác tại Công an thị trấn Hà Lam, Thượng úy Phương đã cùng đồng đội vận động, bắt thành công 7 đối tượng truy nã.
Chia sẻ về 1 trường hợp bắt đối tượng truy nã, Thượng úy Trần Huy Phương cho biết, đối tượng bắt xa nhất là P.T.D quê quán Duy Xuyên, phạm tội ở Thăng Bình, do Công an huyện Thăng Bình ra quyết định truy nã. Qua tìm hiểu hồ sơ, thân nhân gia đình, quan hệ của đối tượng, anh biết đối tượng có người yêu quê cũng ở Duy Xuyên. Qua tiếp cận với người yêu của P.T.D để vận động và biết đối tượng đang ở Đắk Lắk, anh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, xin ý kiến chỉ huy đơn vị để huy động thêm 3 cán bộ chiến sĩ của đơn vị vào Đắk Lắk bắt được đối tượng, di lý về địa phương, bàn giao Công an huyện Thăng Bình xử lý.
Mới đây nhất, ngày 15-9, Thượng úy Phương cũng đã vận động một đối tượng trú tại Bình Trung, huyện Thăng Bình bị Cơ quan Điều tra hình sự khu vực Quân đoàn 3 truy nã về tội danh "đào ngũ". Sau khi được Thượng úy Phương cùng cán bộ Công an thị trấn Hà Lam và gia đình tuyên truyền, vận động, Ngô Tấn Đường đã đến trụ sở Công an thị trấn Hà Lam để đầu thú.
Trung tá Ngô Tấn Bộ- Trưởng Công an thị trấn Hà Lam cho biết: "Thượng úy Phương là cán bộ có tố chất, năng khiếu, nhạy bén với công tác bắt, vận động đối tượng truy nã. Do đó, Công an thị trấn Hà Lam luôn có sự chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho đồng chí bắt, vận động thành công đối tượng truy nã".
Với Thượng úy Trần Huy Phương, tội phạm truy nã là đối tượng phạm tội nguy hiểm cho xã hội, việc vận động, bắt các đối tượng truy nã là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhằm ngăn chặn nguy cơ phạm tội của đối tượng này. Và với anh, mỗi khi bắt, đặc biệt là vận động được một đối tượng truy nã là niềm vui vì đã góp một phần nhỏ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
B.T