Báo Công An Đà Nẵng

Cạnh tranh Trung - Ấn trên bàn hội nghị BRICS

Thứ năm, 31/08/2017 12:23

Sức nóng ở vùng biên giới Trung Quốc và Ấn Độ giảm dần. Tuy nhiên, mâu thuẫn và xung đột kéo dài của họ đặt ra câu hỏi về khả năng hợp tác có ý nghĩa tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của các nền kinh tế mới nổi.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này là cơ hội để Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đàm phán về các vấn đề tranh chấp biên giới. Ảnh: AP

Hội nghị Thượng đỉnh hàng năm của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại thành phố Hạ Môn của Trung Quốc, với hy vọng nâng cao tầm nhìn của họ về khả năng thay thế cho sự thống trị của phương Tây về các vấn đề toàn cầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chủ trì hội nghị này. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Tập cũng sẽ lên kế hoạch đối thoại về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi đối với các dự án phát triển chung của các nền kinh tế mới nổi trong ngày 5-9. Lãnh đạo của cả 5 quốc gia dự kiến sẽ tham dự hội nghị này, tạo cơ hội tốt nhất cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi “ngồi lại nói chuyện” kể từ khi căng thẳng biên giới bùng phát vào tháng 6.

Cả hai nước đều coi BRICS là một diễn đàn quan trọng để hiểu nhau hơn, tạo sự ảnh hưởng toàn cầu, nhưng họ lại lo ngại những mâu thuẫn gay gắt kéo dài âm ỉ đe dọa làm lu mờ những khát vọng đó. Hiện tại, quân đội hai nước đang “cùng lấp khoảng trống” dọc theo biên giới đất liền, ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, AP dẫn lời Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Jindal thuộc thành phố Sonipat ở Ấn Độ cho biết. Thậm chí, ở ngoài khu vực, họ đang tranh đua ở Châu Phi và Mỹ Latinh.

Đối với Bắc Kinh, hội nghị lần này dường như tạo đà cho việc nối lại quan hệ hữu nghị với New Delhi. Chuyên gia về Nam Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, ông Wang Dehua, cho rằng: “Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạo ra bầu không khí thuận lợi cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh cũng như Đại hội Đảng quan trọng”. Các chuyên gia Trung Quốc cho hay, nước này loại bỏ hết mọi rào cản để chuẩn bị kỹ càng cho hội nghị thượng đỉnh trên và Bắc Kinh không muốn tranh chấp biên giới sẽ ảnh hưởng đến sự kiện này. Thủ tướng Modi – vốn đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị - cũng sẽ nỗ lực để hội nghị được thành công vì đây là một nền tảng quốc tế quan trọng cho quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng phát triển giữa gã khổng lồ Châu Á.

Giới phân tích cho rằng, tranh chấp biên giới kéo dài tại Doklam đã kết thúc ngay trước thềm hội nghị BRICS, nhưng vẫn có những tác động lâu dài tới bối cảnh địa chính trị. Các chuyên gia tin rằng, Trung Quốc và Ấn Độ có lý do chính đáng để chấm dứt tranh chấp này giữa lúc ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Bắc Kinh và New Delhi đã có thông báo về việc giải quyết xung đột biên giới kéo dài và bùng nổ trong nhiều năm qua. Những đánh giá bằng vũ khí hạt nhân làm dấy lên mối lo ngại về cuộc xung đột mới giữa hai quốc gia vũ trang hạt nhân này, khi cả hai đã từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu vào năm 1962 và vẫn bị kẹt trong các tranh chấp về những mảnh đất trải dài theo biên giới.

Tuy nhiên, trong khi Bộ ngoại giao Ấn Độ nói rằng, quân đội của họ đang rời khỏi khu vực tranh chấp ở cao nguyên Doklam, nơi mà Bắc Kinh gọi là Đông Lãng, phản ứng chính thức của Trung Quốc tránh được đề cập đến. Bắc Kinh chỉ nói rằng, quân đội nước này sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực biên giới Himalaya đang có tranh chấp, sau khi đạt thỏa thuận về việc giải quyết căng thẳng quân sự kéo dài suốt nhiều tháng với Ấn Độ tại đây.

Sriparna Pathak, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Assam Don Bosco, thuộc bang Assam, đông bắc Ấn Độ, nói rằng: “Rõ ràng, Trung Quốc muốn bằng cách nào đó miêu tả chính họ như là người chiến thắng trong cuộc xung đột mà Ấn Độ đã bắt đầu và bây giờ... bị buộc phải rút lui”. Thậm chí, theo mạng tin Economic Times, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã yêu cầu Ấn Độ rút ra những bài học từ sự đối đầu ở khu vực tranh chấp Doklam.

KHẢ ANH