Báo Công An Đà Nẵng

Cấp giấy phép xây dựng chỉ mất 50.000 đồng

Thứ sáu, 23/10/2015 07:52

(Cadn.com.vn) - Đó là thông tin được ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định tại Chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Cấp giấy phép xây dựng (GPXD)” do Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức ngày 22-10. ÔngThái Ngọc Trung cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp nói chung Sở Xây dựng đã mạnh dạn đề xuất UBND thành phố cho phép cấp GPXD tạm các công trình dịch vụ trong thời hạn khoảng 3 đến 5 năm, trong khi chưa có điều kiện xây dựng công trình theo quy hoạch, vừa quản lý cảnh quan môi trường đô thị cho các khu đất trống, vừa tạo việc làm cải thiện thu nhập cho chủ đầu tư. Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức công dân, thành phố đã rút ngắn thời gian cấp GPXD đối với công trình đã được Sở Xây dựng thẩm định từ 20 ngày xuống còn 10 ngày. Do đó, trong 9 tháng đầu năm, Sở Xây dựng và UBND các quận huyện đã cấp khoảng 11.000 GPXD các loại.

Liên quan đến việc người dân xây dựng nhà ở mới, cần phải xin phép cơ quan nào, thực hiện các thủ tục như thế nào, và lệ phí như thế nào? Ông Trung cho biết, đối với các tuyến đường: có lòng đường 10,5m thuộc các dự án quy hoạch xây dựng tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và các tuyến đường có lòng đường >10,5m thuộc các dự án quy hoạch tại các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và H. Hòa Vang thì Sở Xây dựng cấp giấy phép. Các tuyến đường còn lại là UBND các quận, huyện cấp. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng; Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Bản vẽ thiết kế xây dựng (chi tiết quy định có photo kèm theo); thời hạn cấp GPXD 15 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ được đảm bảo theo quy định. Lệ phí 50.000 đồng/ 1 GPXD và không mất thêm một chi phí nào khác khi xin GPXD.

Một số hộ dân hỏi việc xử lý công trình, nhà ở xây dựng không phép, sai phép được tiến hành như thế nào, ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, khi phát hiện hành vi xây dựng không phép, sai phép, cơ quan chức năng có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng; ban hành Quyết định xử phạt hành chính và buộc Chủ đầu tư phải xin phép xây dựng đối với công trình xây dựng không phép; buộc xin điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành việc ngừng thi công thì sẽ bị đình chỉ xây dựng, cắt điện, cắt nước, đồng thời xử phạt cả nhà thầu thi công. Nếu công trình xây dựng, không phép, sai phép mà không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nếu phần công trình sai phạm không vi phạm chỉ giới, xây dựng trên đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền còn bị phạt truy thu với mức phạt bằng 40% giá trị phần diện tích nhà và đất xây dựng sai so với giấy phép được cấp đối với nhà ở; phạt bằng 50% giá trị phần diện tích xây dựng sai phạm đối với công trình khác nhà ở  trước khi thực hiện việc cấp quyền sở hữu nhà ở, công trình...

X.Đ