Cấp tập đào giếng cứu cà-phê trong cơn khát
(Cadn.com.vn) - Trong đợt nắng hạn được cho là khủng khiếp nhất ở Tây Nguyên từ trước tới nay, người dân nơi đây ra sức đào giếng hòng kiếm nước tưới cây. Tuy nhiên, điều này dường như không mấy khả quan, thậm chí đe dọa nghiêm trọng mạch nước ngầm.
Chúng tôi tìm đến và gặp 2 anh em Nguyễn Sỹ Thắng và Nguyễn Hữu Tuấn đang đào giếng bơm nước để phục vụ nhu cầu cuộc sống và tưới tiêu rẫy cà-phê của gia đình tại Khối phố 01, TT Phước An, H. KRông Pắc, Đắc Lắc. Anh Tuấn cho biết, hai anh em bắt đầu đào từ ngày 6-4 đến nay đã ở độ sâu khoảng 25m, rất may đã gặp được mạch nước ngầm ở mét thứ 23. Dự định 2 anh em tiếp tục đào để có được từ 5 đến 6 mét nước. Với khối lượng nước có thường xuyên dưới giếng như vậy về mùa khô, mới bảo đảm được lượng nước theo nhu cầu sử dụng hàng ngày và tưới tiêu cho diện tích lớn cà-phê của gia đình. Bởi vì, cà-phê đang trong mùa thu hoạch phải tưới hơn 500 lít mỗi gốc mỗi lần, từ 2 đến 3 đợt như thế và tưới theo hệ thống tự phun, lắp ráp với nhiều vòi tự quay trong rẫy cà-phê của mình. Vì vậy, nguồn nước phun phải bảo đảm đủ trong thời gian hệ thống phun hoạt động, nếu thiếu nguồn nước sẽ dẫn đến cháy máy bơm nước.
Điều may mắn đối với các hộ gia đình trồng cà-phê, hồ tiêu tại TT Phước An là nhờ ở địa thế thấp nên người dân đào giếng bơm hoặc giếng khoan cũng chỉ dừng lại ở độ sâu khoảng 26m đến 28m đã có nguồn nước. Nhưng nếu ngược theo Quốc lộ 26 về hướng Tây Nam, nơi đó thuộc xã Eak Nuec cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 10km, sẽ hoàn toàn khác hẳn với thị trấn này.
Người dân tại TT Phước An, H. KRông Pắc vất vả kéo tời từng xô đất từ dưới giếng lên |
Tôi tìm đến thôn Tân Hưng, xã Eak Nuec, H. KRông Pắc, Đắc Lắc và gặp một tốp thợ đang đào giếng cho gia đình ông Vũ Tích Hùng. Dưới cái nắng gay gắt, họ làm việc cật lực, mồ hôi và bùn đất bê bết, ướt đẫm vai lưng áo. Ông Hùng chỉ tay xuống cái hồ rộng gần nhà mình (còn có tên gọi hồ ông Nhâm, chủ đồn điền cao su trước đây) và cho chúng tôi biết, từ năm 2014 về trước cái hồ này không bao giờ cạn nước, nhân dân quanh vùng phụ thuộc vào nguồn nước này để tưới cho các rẫy cà-phê, hồ tiêu. Bây giờ nguồn nước trong hồ không còn, các rẫy cà-phê quanh hồ chết dần trong sự bất lực của các hộ gia đình. Trước tình cảnh nắng hạn nguy cấp của thời tiết, gia đình ông phải thuê thợ đào giếng và đã 12 ngày, đào xuống độ sâu 36 mét vẫn chưa thấy nguồn nước. Đâm lao phải theo lao, ông tiếp tục đào và đào đến khi nào có được nguồn nước mới thôi.
Ông Trần Bình thợ đào giếng tâm sự: “Đầu tháng 4 năm nay, tốp thợ chúng tôi cũng mới hoàn thành một giếng cho một hộ gia đình gần đây, nhưng phải đào tới độ sâu 45m mới có nước. Vị trí để đào giếng đều dựa vào gần bờ của con hồ rộng này, nhưng thực tế vào mùa nắng nóng năm nay, nguồn nước dưới lòng hồ đã trơ đáy, trong lòng đất khan hiếm mạch nước ngầm. Vì tình cảnh chung như vậy, chúng tôi đào giếng với tinh thần chỉ bỏ công giúp các hộ gia đình có nhu cầu đào giếng với giá cả phải chăng đối với các hộ gia đình đào giếng gặp nguồn nước. Nhưng cũng đã có trường hợp đào đến độ sâu tuyệt đối mà không gặp được mạch nước ngầm, thì giữa gia chủ và tốp thợ đào giếng chỉ biết… nhìn nhau”!
Hồ nước sâu và rộng tại xã Eak Nuec, H. KRông Pắc, Đắc Lắc cạn trơ đáy. |
Theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội phối hợp Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), tại Tây Nguyên, cứ 1km2 có tới 150 đến 200 giếng đào và giếng khoan với tần suất khai thác gần 400 triệu lít ngày đêm. Trong tổng diện tích của thủ phủ cà-phê Đắc Lắc hiện có thì có hơn 50% nguồn nước tưới tiêu phụ thuộc từ các giếng khoan, giếng đào của các chủ trồng cà-phê. Hiện nay, số lượng giếng còn phải tăng mạnh. Trong khi đó nguồn nước ở các hồ, đập, sông, suối trên vùng đất này đã đến mức báo động, đa phần trong tình trạng trơ đáy, không còn khả năng cung cấp nước…
Những ngày của trung tuần tháng 4 mà nắng nóng đã mang đến những điều khắc nghiệt khó lường cho người dân Tây Nguyên, đặc biệt là thủ phủ cà-phê Đắc Lắc về tình cảnh khát nước trong thất vọng. Đã có nhiều chủ hộ cà-phê tại các vùng trọng điểm như, H. Cư Mgar; Cư Bao, TX Buôn Hồ; Eak Nuec, H. KRông Pắc đổ xô đi đào giếng và đào đến độ sâu 60m đến 100m vẫn không gặp được nguồn nước. Thực tế này đã được cảnh báo, mạch nước ngầm tại Đắc Lắc đã thấp hơn khoảng 2m, trong đó các vùng có bình độ cao như TX Buôn Hồ và H. Cư Mgar giảm sụt xuống 4m so với mức bình quân nhiều năm nay. Như vậy, khó khăn về nguồn nước vẫn tiếp tục đe dọa đến sản xuất và cuộc sống con người trên mảnh đất Tây Nguyên này. Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên nhận định, “2016 là năm hạn hán gay gắt, khốc liệt nhất trong lịch sử Tây Nguyên” từ trước tới nay.
Nguyễn Nhân Mùi