Báo Công An Đà Nẵng

Caster Semenya giành chiến thắng

Thứ tư, 05/06/2019 11:32

Trước hết phải nói Caster Semenya là một trong những nữ vận động viên điền kinh bị rối loạn phát triển giới tính. Cô gái người Nam Phi là tâm điểm của quyết định gây tranh cãi của Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) hồi năm ngoái. IAAF yêu cầu những nữ VĐV bị rối loạn phát triển giới tính phải sử dụng thuốc để hạ mức testosterone mới được thi đấu ở cự ly từ 400m tới 1 dặm.

Semenya

Caster Semenya thất bại trong vụ kiện hồi tháng trước ở Tòa án trọng tài thể thao (CAS). Tòa án này chấp nhận quy định như vậy là sự phân biệt đối xử cần thiết, hợp lý và cân đối để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong môn thể thao nữ. IAAF lập luận rằng testosterone cao ở VĐV nữ mang lại lợi thế đáng kể về tầm vóc, sức mạnh từ tuổi dậy thì. Quyết định của CAS có tác động ngay tức thì ở cuộc thi tuần trước tại Stockholm. Người chiến thắng ở cự ly 800m sở trường của Semenya là Ajee Wilson người Mỹ. Lần đầu tiên kể từ năm 2015, có một VĐV thắng cự ly này mà không thuộc diện rối loạn phát triển giới tính. Semenya và Francine Niyonsaba người Burundi đã giành chiến thắng trong 22 cuộc đua trước đó.

Thất bại ở CAS, cô gái 28 tuổi quyết định "đẩy" đơn lên Tòa án tối cao liên bang Thụy Sỹ. Phán quyết của Tòa án tối cao liên bang Thụy Sỹ yêu cầu IAAF đình chỉ ngay quyết định về Semenya và hiệp hội được quyền kháng cáo tới ngày 25-6 tới. Trong tuyên bố ngắn, Semenya cảm ơn các thẩm phán Thụy Sỹ rằng phán quyết đã cho phép cô một lần nữa được quyền thi đấu. Luật sư của Semenya là Greg Nott nói rằng quyết định này đã nâng cao đạo đức cho thân chủ của mình. Cố vấn Dorothee Schramm cho nữ VĐV Nam Phi phát triển "Đây là một trường hợp quan trọng có ý nghĩa cơ bản đối với quyền con người của các nữ VĐV".

Nếu IAAF không thể đảo ngược được phán quyết, các quy định sẽ vẫn bị đình chỉ cho tới khi kháng cáo đầy đủ của Semenya được xem xét bởi một hội đồng thẩm phán liên bang Thụy Sỹ. Quy trình này có thể mất một năm hoặc hơn nữa, tức là cô gái Nam Phi được tự do thi đấu nội dung sở trường của mình trong các cuộc thi Diamond League và giải thế giới Doha (Qatar) vào tháng 9 và tháng 10 tới. Quan trọng hơn nữa, Semenya có thể được tham dự Olympic Tokyo năm 2020.

Không chỉ Semenya, thế giới điền kinh từng chứng kiến nỗi buồn bị cấm thi đấu của Dutee Chand người Ấn Độ vì lý do tương tự. Semenya và Chand kiên trì tranh đấu pháp lý với IAAF vì cho rằng đó là lợi thế "trời cho" mà không phải dùng thuốc để hạ lượng testosterone.

HẠNH THUẦN