Cất lưới "bố già" Dawood Ibrahim
(Cadn.com.vn) - Các báo cáo gần đây cho thấy, Dawood Ibrahim, nhân vật thế giới ngầm có liên kết với khủng bố, là mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết đối với Ấn Độ.
Dawood Ibrahim có lẽ là "nhân vật thế giới ngầm" khét tiếng nhất ở Nam Á, tham gia vào tất cả mọi hoạt động phạm pháp, từ việc hỗ trợ các tổ chức khủng bố như Lashkar-e-Taiba và bây giờ là Boko Haram cho đến các hoạt động tội phạm có tổ chức và thậm chí các trận đấu cricket.
Mối quan hệ của Ibrahim với Al-Qaeda cho phép y sử dụng các tuyến đường buôn lậu từ Afghanistan vào Pakistan. Y trở thành nhân vật khủng bố đặc biệt của Bộ Tài chính Mỹ vào năm 2003 cũng như là kẻ bị truy nã gắt gao của Cảnh sát quốc tế (Interpol). Hầu hết các báo cáo gần đây cho thấy, Ibrahim và tổ chức tội phạm D-Company có trụ sở tại Pakistan của y hoạt động dưới sự bảo trợ của nhóm khủng bố ISI của Pakistan.
Ông trùm thế giới ngầm Dawood Ibrahim. Ảnh: Rediff |
Trước đây, Mỹ không tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào nhằm hạ Dawood hoặc D-Company, nhưng đưa y và các tay chân vào danh sách theo dõi của Bộ Tài chính. Nhưng với thông báo mới đây của lãnh đạo Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri rằng, nhóm khủng bố này đang tìm cách thành lập một chi nhánh ở Ấn Độ, và tăng cường các cuộc thánh chiến trên khắp Nam Á, liệu Washington có hành động ngay lập tức để hạ Ibrahim?
Điều này khó có khả năng xảy ra. Tổng thống Mỹ Obama không gặp khó khăn gì khi điều các lực lượng hoạt động đặc biệt hoặc thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái để tiêu diệt các trùm khủng bố lớn, đặc biệt là ở đất nước mà tổ chức khủng bố nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới như Pakistan. Mặc dù Ibrahim xếp ngang hàng với những nhân vật về khả năng gây thương vong và ảnh hưởng, sự ủng hộ của y đối với chủ nghĩa khủng bố không ảnh hưởng trực tiếp đến lãnh thổ Mỹ. Vì thế, cho đến khi xảy ra tấn công lớn ở Ấn Độ với bằng chứng cho thấy sự tham gia trực tiếp của Ibrahim , Mỹ mới hành động.
Mối quan hệ kinh tế và an ninh của Washington với New Delhi ngày càng quan trọng, bằng chứng là chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ. Tuyên bố chung Mỹ-Ấn đề cập đến mục tiêu, "xóa bỏ những nơi trú ẩn an toàn cho mạng lưới khủng bố và tội phạm, phá vỡ tất cả các nguồn hỗ trợ tài chính và chiến thuật cho các mạng lưới này" như Lashkar-e-Taiba và D-Company. FBI và Cục tình báo của Ấn Độ cũng sẽ bắt đầu trao đổi thông tin tình báo về tài sản của D-Company với hy vọng tiêu diệt tổ chức này. Tuy nhiên, không chắc, Mỹ sẽ tăng cường hành động sau thỏa thuận này, ít nhất là vào thời điểm này.
New Dehli dự định tìm kiếm sự trợ giúp của Nhà Trắng trong việc dẫn độ Ibrahim từ Pakistan, song Mỹ chưa trả lời. Thực tế, có vẻ như Washington sẽ lắc đầu vì sợ làm xấu thêm mối quan hệ vốn căng thẳng với Islamabad cũng như để được tiếp tục hoạt động chống khủng bố tại nước này sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Rõ ràng, New Delhi sẽ cần phải tiếp tục xây dựng và phát triển bộ máy riêng nếu muốn hạ D-Company. Trong 20 năm qua, Ibrahim tàn phá Ấn Độ, thông qua việc hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm chiến binh giết chết hàng trăm người và tiêu tốn của nhà nước hàng triệu USD.
Và hiện giờ, với thông tin tình báo cho thấy cuộc tấn công sắp xảy ra trên các sân bay của Ấn Độ và khả năng xảy ra vụ việc phối hợp giữa AQIS-SIMI trong mùa lễ hội, đến lúc Ấn Độ xem xét hành động chống lại D-Company. Pakistan, cho đến nay vẫn phủ nhận, thủ lĩnh thế giới ngầm Ibrahim đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ, sẽ không cung cấp cho Ấn Độ bất kỳ thông tin tình báo hoặc hỗ trợ nào, trong khi Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ giới hạn.
Tuy nhiên, dù việc hạ Ibrahim có khó khăn đến đâu, Ấn Độ cũng phải hành động bởi lợi ích an ninh quốc gia của nước này.
An Bình
(Theo Diplomat)